1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khai mạc phiên tòa xét xử các quan chức bưu điện:

Nguyễn Lâm Thái có biểu hiện bất thường

(Dân trí) - Nguyễn Lâm Thái xuất hiện trước vành móng ngựa trong trang phục rất thể thao. Đối diện với ống kính phóng viên, Thái trịnh trọng sửa dáng, nhoẻn cười và chắp tay chào theo kiểu Thái Lan. Luật sư bào chữa đã yêu cầu giám định tâm thần đối với y.

Sáng ngày 9/4, tòa án tỉnh Đồng Nai đã khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Lâm Thái cùng 45 đồng phạm bị cáo buộc phạm tội lừa đảo, trốn thuế, cố ý làm trái, lưu hành các giấy tờ có dấu giả và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Nguyễn Lâm Thái xuất hiện trước vành móng ngựa trong trang phục quần jean, áo thun, giày thể thao trắng với cặp kính cận và cử chỉ trông có vẻ rất thư sinh. Không giống như những bị cáo khác ở hàng ghế phía sau nét mặt lúc nào cũng cúi gầm, ủ rũ, ông “trùm lừa” của tập đoàn C.I.P này tỏ ra khá ung dung, bình thản. Khi ống kính của các phóng viên chĩa vào, Thái trịnh trọng sửa dáng, ngồi thẳng, nhoẻn miệng cười và chắp 2 tay lại vái chào theo kiểu chào của người Thái Lan. 

"Thành tích" của Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn 

Tại tòa, vị trí ngồi của các bị cáo được đánh số theo mức độ phạm tội từ nghiêm trọng đến giảm dần. Và ngồi ở chiếc ghế “danh dự” đầu tiên là Nguyễn Lâm Thái, tiếp đến là Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành...

Theo bảng cáo trạng dài hơn 100 trang, từ năm 1999 đến 2005, Nguyễn Lâm Thái đã thành lập một loạt 7 Công ty TNHH (tập đoàn C.I.P) trong đó có 1 công ty do Thái đứng tên làm giám đốc. Tất cả các công ty đều do Thái chỉ đạo và điều hành.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm dự kiến kéo dài trong 1 tháng, ngày làm việc sẽ không tính thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ.

Thành phần HĐXX gồm: thẩm phán Lê Thị Hương - Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Đồng Nai làm Chủ tọa; thẩm phán Nguyễn Bá Nhu;  Hội thẩm nhân dân gồm: Nguyễn Thu Liễu, Hoàng Ngọc Khôi, Nguyễn Văn Tiến; Thẩm phán dự khuyết Lê Văn Thăng và Hội thẩm nhân dân dự khuyết Nguyễn Tất Đạt; đại diện Viện KSND tỉnh, giữ quyền công tố trước tòa là 2 kiểm sát viên Nguyễn Văn Hòa và Thái Ngọc Từ.

Theo lịch xét xử, 3 ngày đầu của phiên tòa, HĐXX dành trọn thời gian để thẩm vấn lý lịch của 46 bị cáo. Và bắt đầu thứ hai tuần sau (14/4), phiên tòa sẽ bước vào phần xét hỏi.

Vào cuối buổi chiều thứ Sáu hàng tuần, TAND tỉnh Đồng Nai sẽ dành ra khoảng 1 giờ để tổ chức họp báo.

Sau đó, Thái chỉ đạo các công ty để cùng mua những hàng hóa trôi nổi trên thị trường... rồi "hợp thức hóa" bằng việc mua hóa đơn, kê khai trốn thuế, nâng khống giá vật tư đầu vào, che giấu nguồn gốc hàng. Các mặt hàng giả này lại được ghi mác của những hãng nổi tiếng trên thế giới rồi đem đi chào hàng ở khắp nơi. Vì thế, các Bưu điện cứ tưởng là món “hàng hời” nên quyết định mua vào.

Để khuếch trương quan hệ, danh tiếng, tạo lòng tin, đồng thời gây áp lực để các Bưu điện tin tưởng mà mua vật tư, thiết bị với giá đã được nâng khống, Nguyễn Lâm Thái đã cho in ảnh, ghép ảnh của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp lên cataloge quảng cáo của “Tập đoàn C.I.P”, đem đến các Bưu điện giới thiệu để bán hàng.

Nguyễn Lâm Thái đã chủ động làm văn bản gửi, đề nghị Trung tâm thẩm định giá - Bộ Tài chính thẩm định theo giá vật tư, thiết bị mà một số công ty TNHH do Thái lập ra đã chuẩn bị sẵn. Sau khi có được các văn bản trả lời của Trung tâm này, Nguyễn Lâm Thái đã chỉ đạo nhân viên phô tô màu, phô tô trắng đen, sửa chữa địa chỉ nơi gửi... để làm phương tiện chào hàng, tạo lòng tin.

Với những thủ đoạn trên, từ năm 1999 đến 2005, Nguyễn Lâm Thái đã trực tiếp và chỉ đạo các bị can Vũ Anh, Vũ Công Đại, Vũ Ngọc Hoan, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Vi Thành là các giám đốc thuộc nhóm Cty CIP do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu, ký được tổng cộng 110 hợp đồng kinh tế với 26 Bưu điện để bán các loại vật tư thiết bị gồm Camera, Phù điêu, dụng cụ bưu chính có tổng trị giá các hợp đồng là 31.104.333.573 đồng, qua đó đã chiếm đoạt tổng cộng 24.355.145.872 đồng.

Với vai trò cầm đầu, Nguyễn Lâm Thái đã bị cơ quan công tố truy tố ra trước tòa để xét xử các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Trốn thuế”; “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”.

Các bị cáo Vũ Anh, Vũ Ngọc Hoan, Vũ Công Đại, Phạm Văn Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Vi Thành (Nguyên là Giám đốc các công ty “vệ tinh” của Thái) bị Viện Kiểm sát truy tố các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”.

Các bị cáo: Đặng Thị Thu Hà nguyên kế toán cho các công ty TNHH của Nguyễn Lâm Thái bị truy tố tội “Trốn thuế”, Lê Thanh Hùng và Nguyễn Tiến Dũng nguyên Giám đốc các công ty CP quảng cáo Tam Thanh, TNHH Thương mại kỹ thuật Việt Thông bị truy tội “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”.

Các bị can: Nguyễn Văn Thức, nguyên Giám đốc Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính; Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên cán bộ Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính; Trương Hồng Khoa, nguyên cán bộ Chi cục thuế quận Đống Đa, Hà Nội, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, còn có các bị cáo nguyên là cán bộ các bưu điện trong cả nước cũng phải cùng hầu tòa.  

Luật sư đòi hoãn phiên tòa, HĐXX bác bỏ

Mặc dù đã phân ra 4 khu cho HĐXX, các bị cáo và luật sư, phòng nhân chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… nhưng khán phòng quá hẹp nên hầu hết chỗ ngồi đều dành cho các bị cáo và luật sư bào chữa.

Có đến 46 bị cáo nguyên là các giám đốc, phó giám đốc các bưu điện, các trưởng và phó phòng, giám đốc doanh nghiệp, kế toán công ty con của Tập đoàn C.I.P, giám đốc trung tâm giám định, chuyên viên giám định, cán bộ thuế bị triệu tập, 12 người làm chứng và đại diện cho 38 Bưu điện tỉnh thành liên quan cũng như đại diện cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tham dự phiên tòa. Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 32 luật sư thuộc đoàn luật TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai..., bào chữa cho 39 bị cáo (7 bị cáo tự bào chữa).

Nguyễn Lâm Thái đến tòa với 2 luật sư riêng là Trịnh Anh Dũng và Nguyễn Đặng Quang thuộc đoàn luật sư Hà Nội. Tại phiên tòa, Nguyễn Lâm Thái đã có những biễu hiện lạ. Ngoài hành động chắp tay kiểu vái chào của Thái Lan, Thái còn có cách trả lời “nửa nạc, nửa mỡ”.

Trong phần thẩm vấn lý lịch, Thái trình bày khá rõ ràng, rành mạch về nhân thân, về các “thành tích” tiền án tiền sự của mình. Ngoài việc thừa nhận 1 tiền án đã từng bị TAND TPHCM xử tù cùng về tội lừa đảo, Nguyễn Lâm Thái chối phăng  tiền án 1 lần bị TAND Hà Nội xử 18 tháng tù về hành vi lừa đảo khác.

Tuy nhiên, kết thúc phần thủ tục, 2 luật sư bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái đã yêu cầu HĐXX hoãn lại phiên tòa để giám định tâm thần đối với  Thái và thay đổi Hội thẩm nhân dân… nhằm đảm bảo quyền lợi cho Thái và các đồng phạm.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (bào chữa cho Nguyễn Lâm Thái) không đồng tình với kết luận giám định không bị tâm thần của Thái và yêu cầu phiên tòa hoãn để triệu tập giám định viên tư pháp về tâm thần.

Trước đó, Thái có dấu hiệu bị tâm thần và được đưa đi giám định, nhưng cơ quan giám định có kết luận là Thái không bị tâm thần và hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, Luật sư cho rằng: “Thời gian 10 ngày là quá ngắn chưa đủ để kết luận là Thái có bị tâm thần hay không. Việc giám định này cần có thời gian để nghiên cứu vì nó rất quan trọng đối với Nguyễn Lâm Thái và các đồng phạm. Nếu chứng minh được việc Nguyễn Lâm Thái có biểu hiện tâm thần thì không những Nguyễn Lâm Thái được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn các bị cáo khác cũng sẽ được thay đổi tội danh.”.

Luật sư tỏ ra nghi ngờ sự có mặt của ông Dương Văn Hòa (giám định viên, tổ trưởng tổ giám định) không thể bao quát hết các câu hỏi của tòa về mức độ thiệt hại tài chính mà tòa cần phải triệu tập thêm giám định viên tài chính.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Phạm Chương và Nguyễn Hoàng Nhân) yêu cầu thay đổi bà Nguyễn Thu Liễu (Hội thẩm nhân dân) vì bà Liễu hiện đang là luật sư tập sự nên được đưa ngồi vào ghế Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án này là trái với quy định. 

Về quan điểm của HĐXX, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng, trước khi diễn ra phiên tòa, bà Lâm Mỹ Thạnh - mẹ của bị cáo Nguyễn Lâm Thái từng có đơn đề nghị Cơ quan chức năng đi giám định sức khỏe cho con trai mình. Và đáp ứng yêu cầu của bà Thạnh, HĐXX đã trưng cầu giám định tâm thần cho Thái. Kết quả, Thái vẫn đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm hình sự.

Trong phần trả lời các kiến nghị của luật sư về giám định viên, HĐXX cho rằng, việc giám định là một cơ quan trung lập, không chịu bất cứ áp lực nào. Theo HĐXX thì các giám định viên này phải chịu trách nhiệm với các kết quả này, do đó các kết quả này là khách quan, trung thực. Vì vậy, tòa cho rằng yêu cầu trên của luật sư là không cần thiết. HĐXX sẽ căn cứ vào lời khai của Thái tại tòa để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc luật sư Bùi Quang Nghiêm yêu cầu đổi Hội thẩm nhân dân, HĐXX cho rằng việc bà Liễu là tập sự hành nghề luật sư không liên quan đến việc bà làm Hội thẩm nhân dân, bởi chiếu theo bộ luật tố tụng dân sự và luật hành nghề luật sư thì không có gì sai phạm. 

Nhìn chung, trong phiên tòa buổi chiều ngày 9/4, thẩm phán Lê Thị Hương, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX giải quyết những vấn đề mà các luật sư đặt ra và cơ bản đã bác hết các yêu cầu của các luật sư.  

Hôm nay (10/4), phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra. VKS tiếp tục công báo cáo trạng và sau đó sẽ tiến hành xét hỏi từng nhóm bị cáo theo tội danh.

Công Quang 

Dòng sự kiện: Xử Nguyễn Lâm Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm