Người vợ liệt sĩ Gạc Ma 27 năm một mình nuôi 3 con

(Dân trí) - Chồng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma khi chị đang mang thai cậu con trai út. 27 năm qua, chị một mình thờ chồng, nuôi các con khôn lớn nên người.

Thấm thoát đã 27 năm trôi qua kể từ ngày chị nhận tin chồng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cũng ngần ấy năm, chị âm thầm, lặng lẽ một mình nuôi con khôn lớn nên người. Chị là Cao Thị Bình, ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá - vợ liệt sĩ Hồ Công Đệ.

Bằng tổ quốc ghi công liệt sĩ Hồ Công Đệ.
Bằng tổ quốc ghi công liệt sĩ Hồ Công Đệ.

Trong ngôi nhà của chị, tài sản quý giá nhất có lẽ là những lá thư và những bộ quần áo của chồng đã ố màu theo thời gian mà chị xem như những báu vật. 27 năm trước, ngày chồng ra đi, chị đang mang thai cậu con trai út. 

Khi anh ra đảo chưa được bao lâu thì hy sinh. Ngày nhận giấy báo tử và tư trang chồng để lại, chị vẫn không tin chồng mình đã mất. Đó là ngày 14/3/1988.

Ngày ấy, cũng như bao lớp thanh niên khác, anh Hồ Công Đệ xung phong nhập ngũ vào bộ đội. Trong thời gian tham gia quân ngũ, với những thành tích đạt được, anh được đơn vị giữ lại và cử đi học ngành quân y ở Hải Phòng. Trong một lần về nghỉ phép, hai người gặp nhau và bén duyên vợ chồng. Cưới nhau được 2 tháng, anh Đệ khoác ba lô lên đường vào Nam.

“Hai vợ chồng ở bên nhau chưa được bao nhiêu nhưng vì nhiệm vụ anh phải lên đường. Ngày đầu xa anh, tôi chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc. Vợ trẻ, chồng đi xa, ở nhà một mình biết xoay xở thế nào. Nhưng rồi phải tự động viên mình để chồng yên tâm lên đường vì Tổ quốc”, chị Bình chia sẻ.

Năm 1982, chị Bình sinh con gái đầu lòng trong khi chồng đang làm nhiệm vụ ở phương xa. Một năm sau, anh Đệ được đơn vị cho nghỉ phép về thăm nhà. Những lần về thăm nhà ngắn ngủi nhưng đó là những giây phút hạnh phúc, đoàn tụ cùng gia đình. Lần lượt sau đó, chị sinh cho anh thêm một gái, một gái, trong đó cậu con trai út là Hồ Công Được chưa kịp nhìn mặt bố..

Cuối năm 1987, anh Hồ Công Đệ được điều động ra Trường Sa. Ngày 14/3/1988, anh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma. 

Bà Dương Thị Đề (mẹ chồng chị Bình) chia sẻ: “Ở cái đất này không ai khổ như con dâu tôi, nửa đêm phải dậy ra cánh đồng mót lại những cọng khoai lang bằng ngón tay để các con ăn đỡ đói. Chồng hy sinh, một mình nuôi ba đứa con. Gia đình tôi nghèo nên cũng chẳng giúp gì đước các cháu. Chỉ biết động viên mẹ con chúng nó cố gắng vượt qua những ngày tháng gian khó trước mắt”.

Nhớ lại những ngày trẻ phải xa chồng, lại một nách nuôi 3 con nhỏ, cái nghèo, cái đói cứ vây bám lấy mẹ con chị. Để có tiền nuôi các con ăn học, chị Bình phải tha hương vào Nam kiếm sống bằng nghề làm thuê. Ban đầu, chưa biết làm gì, chị đi nhặt ve chai, đồng nát. Rồi chị được giới thiệu làm giúp việc, nhưng hàng ngày cứ 3h sáng chị vẫn dậy đi nhặt ve chai.

Suốt gần 30 năm qua, một mình chị Bình vất vả nuôi các con khôn lớn nên người.
Suốt gần 30 năm qua, một mình chị Bình vất vả nuôi các con khôn lớn nên người.

Có lẽ vì những năm tháng lao động vất vả mà đến năm 2013, chị Bình bị mắc căn bệnh dạ dày và thoái hóa cột sống, phải trở về quê. Cũng may, thời gian này, các con của chị đã khôn lớn. Hai cô con gái đầu đã lập gia đình và yên bề gia thất. Cậu con trai út cũng đã lấy vợ và hiện ở cùng chị. 

Căn nhà mấy mẹ con ở bao năm đã xuống cấp nghiêm trọng, năm 2014, chị được các đơn vị tổ chức hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa nhà cùng với số tiền chị tích cóp được và vay mượn để làm lại căn nhà mới khang trang, sạch đẹp.

Ông Hoàng Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia - cho biết, hoàn cảnh của mẹ con chị Bình là đặc biệt khó khăn ở địa phương, chồng hy sinh khi chị còn rất trẻ, chị phải một mình nuôi 3 người con khôn lớn. 

Duy Tuyên