DNews

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: "Đó là vinh dự của tôi và gia đình"

Ngọc Tân

(Dân trí) - Binh nhất Trần Ngọc Bình (20 tuổi) cùng đồng đội trải qua 1 tuần tập dượt khẩn trương. Cậu là một trong số những người lính được chọn để khiêng linh cữu Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: "Đó là vinh dự của tôi và gia đình"

Đối với Trần Ngọc Bình, con trai một gia đình nông dân ở Thái Thụy (Thái Bình), từ giã quê hương để thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm tại Đoàn Nghi lễ Quân đội là một ngã rẽ bất ngờ.

Trong vô vàn lứa quân nhân nghĩa vụ tại Đoàn Nghi lễ quân đội, Bình và các đồng đội của mình vinh dự được phục vụ thời khắc cuối cùng của vị Tổng Bí thư mà cả nước tôn kính.

Niềm vinh dự của người lính trẻ

"Lúc chưa vào bộ đội, em chỉ biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tivi. Biết bác là người có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong việc phòng chống tham nhũng, tham ô", Bình chia sẻ.

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: Đó là vinh dự của tôi và gia đình - 1

Binh nhất Trần Ngọc Bình trong buổi luyện tập chuẩn bị cho tang lễ của Tổng Bí thư (Ảnh: Ngọc Tân).

Bố làm nghề tài xế, mẹ làm ruộng, Bình tốt nghiệp cấp 3 rồi đi làm công nhân tại một công ty ở địa phương. Ngã rẽ đến khi cậu quyết định khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Với chiều cao 1m84, khuôn mặt tuấn tú và vượt tiêu chuẩn khác, Bình được tuyển chọn vào Đoàn Nghi lễ quân đội.

Đến khi vào quân ngũ, cậu mới hiểu hơn về công lao, tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bức ảnh Tổng Bí thư cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn được treo trang trọng trong phòng sinh hoạt chung (Phòng Hồ Chí Minh) của đơn vị. Cậu cũng được biết Tổng Bí thư đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, người lãnh đạo tối cao của toàn quân. 

"Em thấy rất vinh dự vì được phục vụ lễ quốc tang của bác. Bố mẹ em cũng rất vinh dự, tự hào khi biết con mình đóng góp một phần nhỏ vào công việc này", Bình nói với phóng viên khi vẫn mặc bộ quân phục ướt đầm mồ hôi.

Chúng tôi đứng dưới sân tập của Đoàn Nghi lễ quân đội cùng khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ trong buổi luyện tập cuối cùng trước ngày Quốc tang. Các khối lính đi ghệt, bồng súng CKC gắn lưỡi lê. Tất cả đều trong tư thế nghiêm trang nghe vị chỉ huy phổ biến tính chất quan trọng của nhiệm vụ lần này.

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: Đó là vinh dự của tôi và gia đình - 2

Chuẩn bị trang phục trước ngày diễn ra tang lễ (Ảnh: Ngọc Tân).

Xung quanh họ, các vật chất huấn luyện tượng trưng cho vòng hoa, linh cữu được xếp gọn gàng. Thứ duy nhất không phải "tượng trưng" là chiếc linh xa gắn cỗ pháo 122mm với lồng kính chứa linh cữu được đặt bên trên.

Lực lượng chính và chủ yếu phục vụ tang lễ của Tổng Bí thư là các hạ sĩ quan, binh sĩ trẻ. Chúng tôi đã quán triệt các bạn ấy về tầm quan trọng của nhiệm vụ lần này. 100% quân số đều xác định rõ tư tưởng, ý thức trách nhiệm. Buổi duyệt cuối cùng vào chiều 24/7, các đồng chí đều đạt kết quả tốt.

Trải nghiệm đặc biệt của người 5 lần phục vụ Quốc tang

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thiếu tá Quang Huyền Thơ, Đội trưởng Đội Tiêu Binh Danh dự (Đoàn Nghi lễ Quân đội), cho biết lúc nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, cả đội ai cũng đau buồn và xúc động.

Nhưng đồng thời, anh và các đồng đội đều xác định sắp tới sẽ là nhiệm vụ đặc biệt để thể hiện sự tri ân đối với vị Tổng Bí thư đáng kính. Cán bộ, chiến sĩ của đội đều gấp rút chuẩn bị, tích cực luyện tập theo kịch bản tang lễ đã được thống nhất.

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: Đó là vinh dự của tôi và gia đình - 3

Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Quốc Chính).

Thiếu tá Thơ đã trải qua 5 lần phục vụ Quốc tang. Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này với anh rất đặc biệt, cả về quy mô chuẩn bị, lực lượng tham gia và những cảm xúc đi kèm. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng số 1 của cả đơn vị.

Trong một tuần Hà Nội mưa triền miên, cán bộ chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ Quân đội vẫn luyện tập 3 ca sáng, chiều, tối, cả thứ 7, Chủ nhật. Những kế hoạch nghỉ phép, về thăm gia đình của cán bộ chiến sĩ đều được gác lại để tập trung phục vụ Quốc tang. 

"Như đơn vị chúng tôi có đồng chí quê ở Ninh Bình, tuần vừa rồi gia đình báo lên là con đang ốm. Tuy nhiên, đồng chí ấy đã gọi điện về động viên gia đình, hẹn sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ sẽ về thăm nhà sau", chỉ huy Đội Tiêu binh chia sẻ.

Người lính nâng linh cữu Tổng Bí thư: Đó là vinh dự của tôi và gia đình - 4

Binh nhất Trần Ngọc Bình và các đồng đội tiêu binh ở lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Ngọc Tân).

Nội dung luyện tập vất vả nhất là khiêng linh cữu, phải làm chuẩn xác từng li, từng chút một. Trong Lễ tang, có 2 lần họ trực tiếp nâng linh cữu của Tổng Bí thư là khi từ nhà tang lễ ra xe (linh xa) và từ linh xa đến nơi chuẩn bị mộ phần.

"Nhiệm vụ này với chúng tôi là vô cùng vinh dự, tự hào, xen lẫn đó là trách nhiệm của một quân nhân khi được phục vụ những giây phút cuối đời của Tổng Bí thư. Vì vậy, dù nắng mưa anh em đều rất cố gắng luyện tập", Thiếu tá Quang Huyền Thơ chia sẻ.

Trong ký ức của các sĩ quan công tác lâu năm ở Đoàn, Quốc tang là nhiệm vụ đặc biệt, không ai mong muốn. Lần phục vụ quốc tang gần nhất là của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 2020.