Thanh Hóa:

Người dân vẫn chưa thể về nhà sau một tuần chạy lũ

(Dân trí) - Đã gần một tuần trôi qua, hơn 100 hộ dân bên bờ sông Bưởi, thuộc xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn bị cô lập giữa mênh mông nước lũ. “Thấy dự báo lại sắp có bão, nếu mưa tiếp thì chưa biết hôm nào mới về nhà được. Hôm chạy lũ lên đồi, chẳng kịp mang theo thứ gì...", một phụ nữ than thở.

Xã Thạch Định được xem là rốn lũ của huyện Thạch Thành. Cơn lũ lịch sử từ ngày 10/10 đã nhấn chìm hơn 500 hộ dân trên địa bàn xã này giữa biển nước. Đến nay, đã gần một tuần trôi qua, hơn 100 ngôi nhà vẫn bị nước lũ "bao vây". Trong đó, nhiều nhà dân ở các khu nước lũ ngập vẫn chưa rút hết. Khắp nơi trong xã là những xóm làng xơ xác, tiêu điều, bùn đất ngập ngụa, nhầy nhụa; nhiều điểm đê, kè bị sạt lở.

Sau nhiều ngày vật lộn với cơn lũ lịch sử, trên khuôn mặt những người dân nơi đây hiện rõ vẻ mệt mỏi, bơ phờ. Người dân gần như đã kiệt sức.

Bà Phạm Thị Lan, ở thôn Định Tường, xã Thạch Định, cho biết: “Nhà tôi bị nước tràn vào hôm 10/10 đến nay đã gần một tuần rồi mà vẫn chưa về nhà được. Nhà bị nước ngập sâu lắm, nếu có nhanh cũng phải hai ba hôm nữa may ra mới trở về được”.

Nhiều con đường giao thông vẫn ngập sâu trong nước
Nhiều con đường giao thông vẫn ngập sâu trong nước

Sau tiếng thở dài, bà lại lộ rõ vẻ lo lắng khi nghe tin cơn bão số 11 sắp đổ bộ vào. Bà Lan chia sẻ: “Thấy dự báo lại sắp có bão, nếu mưa tiếp thì chưa biết hôm nào mới về nhà được. Hôm chạy lũ lên đồi, chẳng kịp chuẩn bị được gì, được các anh lãnh đạo xã quan tâm cho mì tôm và nước uống. Cũng may, mấy hôm tạnh ráo, có nhà hàng xóm được người nhà ở thành phố cho mấy chục cân gạo nên gọi nhau mấy hộ tổ chức nấu cơm cùng ăn”.

Còn bà Lê Thị Loan gạt vội những giọt nước mắt lăn trên gò má, buồn bã nói: “Nhà tôi cũng đang ngập trắng. Chỉ chạy được người và trâu bò, còn gà, lợn thì không chạy được. Lúa đã gặt chạy lụt về nhà nhưng cũng không kịp phơi, đến hôm nay đã mọc mầm hết rồi. Lúa khô trong nhà từ vụ trước cũng không còn, chẳng biết sẽ sống ra sao trong thời gian tới”.

Nước lũ đang chia cắt khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn
Nước lũ đang chia cắt khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn

Đang nấu cám cho bò, chị Dương Thị Ngoan chia sẻ, gia đình chị gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Khi nước lũ tràn vào, do chồng chị bị đau mắt không làm gì được, một mình chị cũng chỉ lo chạy được người và di chuyển con bò lên đồi tránh lũ; còn gà, vịt không kịp chạy, chị bảo chắc trôi theo nước lũ hết rồi. Giờ cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi con bò nên phải cố gắng chăm nó.

Theo ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định, mặc dù nước sông đã rút nhưng hiện nay trên địa bàn xã còn hơn 100 hộ dân tại thôn Tiến Thành, Định Cát và rải rác một ở số thôn khác vẫn bị cô lập. Đối với những hộ chưa thể quay về nhà được, xã tiếp tục cung cấp đồ ăn, nước uống, chủ yếu là bánh mì và mì tôm. Còn những hộ chạy lũ lên đồi và trường học có nơi nấu cơm được thì xã đưa nước sạch từ bên ngoài vào cho các hộ nấu ăn.

Ông Hùng cho biết thêm, xã cũng huy động các lực lượng tại chỗ, phối hợp với công an huyện tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường. Hiện nay, toàn xã đã có 3/7 thôn đã được cấp điện trở lại.

Nhiều nhà dân vẫn ngập trong nước
Nhiều nhà dân vẫn ngập trong nước
Đoạn đường từ UBND xã Thạch Định đi thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành vẫn bị nước lũ chia cắt
Đoạn đường từ UBND xã Thạch Định đi thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành vẫn bị nước lũ chia cắt
Nhiều người dân vẫn chưa thể trở về nhà sau gần một tuần chạy lũ
Nhiều người dân vẫn chưa thể trở về nhà sau gần một tuần chạy lũ
Người dân nơi đây bơ phờ sau gần một tuần chống chọi với lũ lụt
Người dân nơi đây bơ phờ sau gần một tuần chống chọi với lũ lụt
Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định phát bánh mì cho bà con
Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định phát bánh mì cho bà con
Cuộc sông màn trời chiếu đất của người dân trong cơn lũ lịch sử
Cuộc sông "màn trời chiếu đất" của người dân trong cơn lũ lịch sử
Nhiều gia đình vẫn phải cửa đóng, then cài đi chạy lũ
Nhiều gia đình vẫn phải cửa đóng, then cài đi chạy lũ

Chúc Phương - Duy Tuyên