Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự báo chưa chính xác gây thiệt hại mưa lũ nặng nề

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua là do công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa, lũ ống.

100 năm trồng cây, lâm tặc 16 phút là xong!

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội. Phát biểu tại đây, nhiều đại biểu “mổ xẻ” những vấn đề liên quan đến đợt thiên tai vừa qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc phá rừng là một minh chứng cho tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

Qua khảo sát thực tế, ông Cương nhận thấy nếu như không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. “Một cây to có đường kính 1m phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Đại biểu đoàn Ninh Thuận cũng phán ánh một trạm kiểm lâm mỗi đêm có độ khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền tiêu cực.

“Đây là số lợi thu tiền bất chính không nhỏ và cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng? Có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do tận thu”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho hay.

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng (đoàn Thanh Hóa) nhắc lại thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích. Cùng với đó thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 8.500 tỷ đồng. Đại biểu nêu ra nguyên nhân có sự chủ quan và để mất rừng tự nhiên.

Đại biểu đề nghị, bố trí nguồn vốn đầu tư năm 2018, hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Về lâu dài, đại biểu đề nghị cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

Dự báo lượng mưa trong điều kiện cực đoan không đảm bảo

Cùng vấn đề trên, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, trong những năm vừa qua khu vực miền núi phía Bắc chịu tác động, ảnh hưởng lớn của một số loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất và có xu hướng gia tăng về cường độ, phạm vi ảnh hưởng và ngày càng cực đoan, bất thường.

“Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn phá rừng gia tăng đã làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Điển hình là năm 2017 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất làm chết nhiều người và thiệt hại lớn về kinh tế”, đại biểu Thúy nói.

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua có công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa, về lũ ống.

Bên cạnh đó việc mất rừng và bố trí dân cư chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, theo ông Hà thì lượng mưa thời gian qua cũng hết sức cực đoan.

“Chúng tôi xin báo cáo thật với Quốc hội, thực tế công tác dự báo định lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất mới chỉ giải quyết được trên diện rộng. Còn dự báo trong điều kiện cực đoan, cũng như một khu vực cụ thể thì khoa học chưa đảm bảo”, ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Hà cho biết, hiện Đảng và Nhà nước đang đặc biệt quan tâm đầu tư những dự án để khắc phục những tình trạng trên để phục vụ công tác dự báo tốt hơn. Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương triển khai Luật Khí tượng thủy văn và xây dựng thêm 3.000 điểm dự báo mưa (hiện có 1.300), để bình quân từ 40-100 km2 có một điểm.

Quang Phong