1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão

Công Bính Doãn Công Quốc Triều

(Dân trí) - Đến sáng nay 27/9, người dân ở các vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn phòng tránh bão số 4.

Bình Định: Tá túc nhà hàng xóm, chờ bão tan mới về

Ghi nhận của PV Dân trí tại Bình Định, từ chiều 26/9, UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) đã đến vận động nhân dân có nhà đơn sơ, nhà có mái tôn giằng néo nhà cửa, mái chắc chắn hạn chế gió bão, sập nhà, tốc mái.

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 1

Một số hộ dân ở khu vực nguy cơ sạt lở cao ở phường Đống Đa đã phải đóng cửa nhà đi nơi khác tá túc để tránh bão Noru (Ảnh: Doãn Công).

Tại một số khu vực nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương yêu cầu người dân di dời trước 17h chiều cùng ngày, để đảm bảo tính mạng nhân dân.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại khu vực núi Một thuộc tổ 2B, khu vực 1, hàng chục hộ dân đã sẵn sàng "chạy" bão, đặc biệt một số hộ nằm ở khu vực nguy cơ cao đã chủ động đóng cửa nhà để đến nhà người thân tá túc.

Trong ngôi nhà mái tôn che tạm bợ không thể chằng chống, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (60 tuổi) cho biết: "Bây giờ nhà tôi mà trèo lên chằng chống là sập ngay. Đến đâu hay đó thôi, trong nhà cũng không có thứ gì quý giá nên bão vào thì chạy qua hàng xóm trú tạm".

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 2

Bà Thủy trong ngôi nhà tạm bợ ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Ảnh: Doãn Công).

Sinh sống hơn 20 năm ở núi Một, ông Trần Đình Dũng (64 tuổi) cho biết: "Nhà tôi ngay họng nước từ trên núi đổ xuống rất nguy hiểm. Mưa như to như ngày hôm qua là nước chảy vào nhà chẳng dám ngủ chứ nói gì mưa bão vào nhưng ở riết rồi cũng quen".

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 3

Ngôi nhà xuống cấp của gia đình bà Thủy được gia cố tạm bợ (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Dũng, mỗi khi có bão chính quyền địa phương cử cán bộ, công an khu vực lên thông báo, vận động người dân có nhà đơn sơ chằng chống nhà cửa chắc chắn, hoặc di dời đến nơi an toàn.

Quảng Ngãi: Dân rời làng đến nhà an toàn trú bão

Ghi nhận của PV Dân trí tại tỉnh Quảng Ngãi, từ 8h sáng nay 27/9, toàn tỉnh bắt đầu huy động tổng lực di dời 84.000 dân đến nơi trú bão Noru.

Tại vùng ven biển huyện Bình Sơn, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Trên 11 nghìn hộ dân với 38 nghìn nhân khẩu tại huyện ven biển này sẽ được di dời trong sáng nay.

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 4

Người dân huyện Bình Sơn được đưa đến điểm trú bão của Công ty CP thép Hòa Phát. Địa điểm này sẽ đón 1.500 hộ dân của 2 xã Bình Đông, Bình Thuận đến trú bão (Ảnh: Quốc Triều).

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 5

Lực lượng vũ trang được huy động đưa người già, trẻ em đến nơi tránh bão (Ảnh: Quốc Triều).

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 6

Ông Nguyễn Thanh Vũ  - Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) - dùng xe máy đưa người già yếu đến điểm trú bão (Ảnh: Đình Hiền).

Huyện Bình Sơn vừa phải đối phó với sức tàn phá của bão, cũng như nguy cơ lũ lớn sau bão. Do đó, các phương án phòng chống bão lũ được triển khai sớm.

Trong đêm qua, một số khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi cả bão và lũ được di dời trước. Ngoài người dân, lực lượng của địa phương cũng giúp dân di chuyển tài sản tránh thiệt hại do lũ sau bão

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 7

Ngoài người dân giúp nhau, lực lượng của địa phương cũng giúp bà con di chuyển tài sản tránh thiệt hại do lũ sau bão (Ảnh: Quốc Triều).

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phải hoàn thành công tác di dời dân sớm trước khi bão đổ bộ. Toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 84 nghìn người dân đến nơi trú bão trước 10h sáng nay, 27/9.

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 8

Quảng Ngãi đặt mục tiêu sẽ di dời 84 nghìn người dân đến nơi trú bão trước 10h sáng nay, 27/9. Trong ảnh: Người dân ở huyện Bình Sơn rời làng đi tránh bão (Ảnh: Đình Hiền).

Quảng Nam: Hàng chục nghìn người dân được di tản đến nơi an toàn

Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán hàng nghìn người dân sống ven biển, nhà cấp 4 đến nơi an toàn.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9.

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 9

Lực lượng bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa (Ảnh: Đức Thanh).

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 10

Phụ nữ, trẻ em, người già được đưa lên xe buýt di tản đến nơi an toàn (Ảnh: Đức Thanh).

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 11

Người dân vùng ven biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ sơ tán tránh bão sáng 27/9 (Ảnh: Công Bính).

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch TP Tam Kỳ cho biết, từ chiều tối qua đến sáng nay 27/9, lực lượng chức năng của thành phố đã đưa hàng nghìn hộ với gần 10.000 người đến tạm trú ở trường Cao Đẳng Y tế Quảng Nam, trụ sở UBND các xã, trường học kiên cố để trú tránh bão số 4.

Trú bão tại trụ sở UBND phường Cửa Đại, vợ chồng ông Phạm Ngạnh (SN 1954, khối Phước Hải, phường Cửa Đại, TP Hội An) bày tỏ vui mừng vì được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện đến nơi tránh trú an toàn.

Người dân miền Trung rời làng đi tránh bão - 12

Người già được lực lượng chức năng đưa đi trú tránh bão (Ảnh: Đức Thanh).

"Tôi khuyết tật, lại bệnh tim, nhà chỉ có hai vợ chồng, ở nhà không kiên cố nên chủ động di dời sớm theo lệnh chính quyền", ông Ngạnh chia sẻ.

Lãnh đạo TP Hội An cho hay, địa phương sẽ di dời khoảng 2.000 hộ với khoảng 8.000 người theo hình thức tập trung và xen ghép. 

Tại thị xã Điện Bàn, dự kiến di dời hơn 6.000 dân theo phương án ở ghép và tập trung, trong đó ưu tiên ở ghép. 

Phường Điện Dương 300 hộ với 1.100 nhân khẩu, phường Điện Ngọc lên phương án di dời khoảng 5.000 dân chủ yếu là công nhân và một số gia đình hộ ven biển.

Dòng sự kiện: Bão Noru

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm