1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản "chạy" mưa bão

(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 và lo sợ hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, các hộ nuôi cá lồng bè tại Hà Tĩnh đang khẩn trương sơ tán cá từ các sông vào trong đê.

Từ chiều qua 29/8, bèo tây từ thượng nguồn cống ba ra Đò Điệm (huyện Thạch Hà) cuồn cuộn đổ về, chỉ trong một thời gian ngắn đã phủ kín toàn bộ mặt nước tại khu vực nuôi trồng thủy sản tại Hộ Độ.

Khu vực này là nơi nuôi trồng cá lồng bè của hàng chục hộ dân thuộc 2 xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh).

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 1

Người dân hối hả sơ tán cá

Cả ngày 29/8, nhiều hộ dân tại xã Thạch Hạ đã hối hả chèo thuyền vớt cá từ các lồng bè vào khu vực nuôi trồng trong đê nhằm tránh bão.

Để ra khu vực lồng bè vớt cá, anh Lưu Quang Vũ (thôn Hạ, xã Thạch Hạ) buộc phải bơi ra giữa dòng, gạt bèo tây và dùng dây thừng kéo thuyền nhích từng chút một. Rất vất vả và mất thời gian, thuyền của anh mới thoát ra khỏi những đám bèo này.

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 2

Trong chiều qua hộ anh Lưu Quang Vũ đã sơ tán được toàn bộ số cá đặc sản vào trong đê an toàn.

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 3

Để vớt cá đi sơ tán, anh Vũ phải nhảy xuống sông gạt bèo dùng dây thừng kéo thuyền ra khỏi khu vực này

“Buổi sáng chúng tôi vẫn vớt cả bình thường, nhưng ăn cơm trưa xong thì bèo tây đã phủ kín khiến việc chèo thuyền để vớt cá tránh bão rất khó khăn”, anh Vũ lắc đầu.

Gia đình anh Lưu Quang Vũ có 2 bè cá với 2.000 cá giống được thả. Khu vực nuôi trồng chủ yếu là cá chim trắng và cá vược (chẽm), cá mú. 

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 4

Xã Thạch Hạ có 10 hộ nuôi trồng với 12 lồng bè và 66 ô nuôi gồm các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế như: cá mú, hồng mỹ, các vược, cá nâu...

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 5

Vớt cá từ lồng bè để đưa vào trong đê tránh mưa bão

Thời điểm này cá chim của hộ gia đình anh chỉ mới được khoảng 350gr – 400gr. Nếu tính theo giá thị trường thì cá chim có giá dao động từ 150 – 180 ngàn đồng/kg; cá chẽm có giá 180.000 - 200 ngàn/kg; cá mú có giá 250 ngàn đồng/kg.

“Một vài năm trước, do không thu hoạch kịp trước bão gia đình tôi cũng đã thiệt hại rất nhiều. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi nghe thông báo bão chúng tôi đã phải chèo thuyền sơ tán cá ngay”, anh Vũ kinh nghiệm.

Được biết, toàn xã Thạch Hạ có 10 hộ nuôi trồng với 12 lồng bè và 66 ô nuôi. Tổng số lượng cá nuôi trồng khoảng gần 30 tấn cá, trong đó: cá chẽm 13,8 tấn; chim vây vàng 1,6 tấn; mú 2,7 tấn; hồng mỹ 2,2 tấn; nâu 3,6 tạ và hồng đỏ 2 tạ.

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 6

Cá chim mới chỉ được một nửa trọng lượng để đưa ra thị trường.

Không chỉ sơ tán cá, nhiều hộ dân còn dùng dây chằng chéo các ô nuôi trồng để tránh bị mưa bão làm hư hỏng và cuốn trôi.

Trong buổi chiều qua, ông Nguyễn Huy Chương (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ) đã sơ tán được gần 2 tấn cá đặc sản vào khu vực nuôi trồng Hồng Hà phía trong đê. Số cá còn lại ông Chương giữ nguyên chỉ gia cố thêm lồng bè. “Tôi chủ yếu sơ tán các loại các chim vây vàng, cá mú, hồng mỹ… còn cá chẽm thì chưa đưa vào vì loại cá này có thể chịu được ngọt. Nếu sau bão cống Đò Điệm xả lũ sẽ không bị sốc ngọt như các loại cá khác”. 

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 7

Cá đặc sản của các hộ dân xã Thạch Hạ được sơ tán đến khu vực nuôi trồng Hồng Hà phía trong đê

Người dân gạt bèo gánh cá đặc sản chạy mưa bão - 8

Nhiều hộ gia đình, cũng tranh thủ bán cá cho thương lái trước khi bão đổ bộ vào.

Nhiều hộ gia đình, cũng tranh thủ bán cá cho thương lái trước khi bão đổ bộ vào. Dù bán vội nhưng giá cá vẫn giữ nguyên không hề giảm.

"Tuy chỉ 10 hộ nhưng giá trị tài sản lên đến hàng tỷ đồng nên chính quyền địa phương đã tổ chức thông tin và chỉ đạo các biện pháp phòng chống thiệt hại thấp nhất cho bà con. Đến thời điểm hiện nay, xã Thạch Hạ đã 2 hộ dân đã di chuyển toàn bộ cá vào trong đê tại khu vực nuôi trồng Hồng Hà. Các hộ dân khác đang tiếp tục sơ tán cá và chằng chéo lại các ô nuôi trồng”, chị Nguyễn Thị Lê (ban Khuyến nông xã Thạch Hạ) cho biết.

Phượng Vũ