1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân đang "sợ" bình cứu hỏa!

(Dân trí) - “Bắt buộc ô tô phải có bình cứu hỏa mang lại lợi ích hay sợ hãi nhiều hơn? Tôi thấy người dân đang sợ hãi nhiều hơn, bởi thời tiết nước ta nắng nóng như thế, còn bình cứu hỏa trôi nổi bán đầy đường, chất lượng bị buông lỏng”- luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

 

Ông Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: T.K.)
Ông Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: T.K.)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô (có hiệu lực từ ngày 6/1) dù đúng luật nhưng bị người dân phản ứng như thế thì cần phải xem xét lại toàn diện.

“Quy định này liên quan đến vấn đề kỹ thuật, an toàn cháy nổ nên cần thiết phải có giám định về mặt khoa học kỹ thuật chứ cứ nói chung chung thì rất khó xác định. Mục đích ra đời thông tư có ý nghĩa hay ở chỗ nhằm khắc phục tình hình cháy nổ trên phương tiện giao thông, nhưng trước khi ban hành thông tư đó đã có sự vào cuộc của các nhà khoa học kỹ thuật, đã nghiên cứu để đi tới những kết luận là bình cứu hỏa ở nhiệt độ bao nhiêu, như thế nào thì có thể gây họa hay chưa? Ở nhiệt độ bảo quản như thế nào thì an toàn?”- ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, để giải quyết những lo lắng hiện nay của dư luận cần thiết phải có sự vào cuộc của liên bộ, gồm Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.

“Khi đã có đầy đủ cơ sở khoa học của vấn đề thì nhà nước phải quy hoạch những nơi nào được phép kinh doanh, buôn bán thiết bị phòng cháy chữa cháy đã được kiểm định an toàn, dán tem chống hàng giả để người dân tin tưởng. Cái này liên quan đến tổ chức và phải đồng bộ thì mới đạt hiệu quả được”- ông Quyền bày tỏ.

 


Quy định buộc ô tô 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa đang gặp phải phản ứng của dư luận (Ảnh: Tiến Nguyên).

Quy định buộc ô tô 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa đang gặp phải phản ứng của dư luận (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Dưới góc độ khoa học, PGS-TS. Bùi Thị An (Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng quy định buộc ô tô 4-9 chỗ ngồi phải lắp bình cứu hỏa là không phù hợp với thực tiễn và khí hậu ở Việt Nam.

“Miền Nam nước ta nắng nóng quanh năm trong khi mùa hè ở miền Bắc nắng nóng ngoài trời có thể trên 40 độ, ở miền Trung còn tới 45 độ. Ô tô đóng kín cửa kính đứng dưới thời tiết ấy nhiệt độ trong xe có thể tới mức 50-60 độ, trong khi bình cứu hỏa lại được khuyến cáo để nơi thoáng mát nên rất cần chú ý việc này”- bà An nói.

Các trường hợp xe bị cháy trước đây một phần do lỗi của động cơ hoặc nguồn nguyên liệu. Ở vào tình huống ấy nguy cấp ấy, người chủ xe nên tìm cách thoát thân thật nhanh, chứ không phải tìm bình cứu hỏa mini để dập lửa.

Mặt khác, theo bà An, các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu không thiết kế bình chữa cháy đặt trong xe là bởi suốt quá trình sản xuất đã được dựa trên những nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại về phòng chống cháy nổ.

Khẳng định việc lắp bình cứu hỏa trên xe khách, xe tải vận chuyển mặt hàng dễ cháy là cần thiết, nhưng luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM khẳng định việc Thông tư 57 bắt buộc ô tô 4-9 chỗ ngồi cũng phải lắp bình cứu hỏa mini là không cần thiết.

“Bắt buộc ô tô từ 4-9 chỗ ngồi phải có bình cứu hỏa trong xe thì mang lại lợi ích hay sợ hãi nhiều hơn? Tôi thấy người dân đang sợ hãi nhiều hơn, bởi thời tiết ở nước ta nắng nóng như thế, còn bình cứu hỏa trôi nổi bán đầy đường, chất lượng bị buông lỏng. Xưa nay việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các bình cứu hỏa này bị thả nổi, tem nhãn rất khó xác định. Hôm rồi thông tư có hiệu lực, tôi thấy cả cảnh người ta đi xe máy chở đầy bình này đi bán cho những người đi ô tô sợ bị CSGT phạt”- ông Hậu thẳng thắn.

Luật sư Hậu thừa nhận đến giờ vẫn chưa mua bình cứu hỏa mini để lắp lên ô tô của mình. “Tôi đang sử dụng một chiếc ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản. Nhà sản xuất không khuyến cáo hoặc bố trí một vị trí nào trên xe để lắp bình cứu hỏa cả thì bây giờ có quy định này tôi phải lắp ở đâu cho thuận tiện? Nếu để dưới gầm ghế xe thì cũng rất nguy hiểm, bởi đường sá của chúng ta không tốt mà nguyên tắc của bình cứu hỏa là khi nhiệt tăng, thể tích chất lỏng tăng theo và đến một lúc nào đó áp suất đủ lớn có thể gây nổ”- ông Hậu lo ngại.

Đề nghị các bộ ngành liên quan xem lại quy định của Thông tư 57, luật sư Hậu khẳng định: “Quy định này đi ngược lại xu thế hội nhập, những nước áp dụng thì phương tiện giao thông của họ cũ kỹ quá rồi”

Thế Kha