1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Xưa nay chưa thấy trường hợp nào bình cứu hỏa phát nổ”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí sáng 11/1, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) khẳng định việc buộc ô tô phải trang bị bình cứu hỏa xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua.

 

Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định việc buộc ô tô trang bị bình cứu hỏa xuất phát từ thực tiễn phòng cháy ở Việt Nam và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy đã được Quốc hội thông qua (Ảnh: Tiến Nguyên).
Thiếu tướng Trần Thế Quân khẳng định việc buộc ô tô trang bị bình cứu hỏa xuất phát từ thực tiễn phòng cháy ở Việt Nam và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy, chữa cháy đã được Quốc hội thông qua (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù đại diện Bộ Công an và Bộ Tư pháp đều khẳng định việc buộc ô tô phải trang bị bình cứu hỏa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng sau khi Thông tư 57 hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô do Bộ Công an ban hành có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 đã gặp phải phản ứng từ phía dư luận...

Thiếu tướng Trần Thế Quân: Sau khi có dư luận như vậy chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại cơ sở pháp lý của Thông tư 57 rồi. Quy định đó xuất phát từ Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua. Chính vì thế cơ sở pháp lý của nó đầy đủ, rõ ràng.

Hơn nữa quy định này còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của nước mình. Nếu có trang bị bình cứu hỏa thì những cháy nhỏ trên khoang lái do bất cẩn có thể kịp thời xử lý được ngay, không xảy ra thiệt hại lớn. Thực tế những năm gần đây nước ta xảy ra nhiều vụ cháy thì bắt buộc trang bị như thế là cần thiết.

Điều quan trọng bây giờ là phải đảm bảo điều kiện thi hành như thế nào cho hợp lý mà thôi. Chúng tôi cũng trao đổi và thống nhất với bên cảnh sát giao thông làm sao phải tuyên truyền cho người dân hiểu được các quy định trong luật và tổ chức, hướng dẫn vị trí lắp đặt trên xe như thế nào cho thuận lợi, mua thiết bị như thế nào cho hợp chuẩn, nên mua ở đâu và mua loại gì...?

Những điều đó cần phải có thời gian để người sử dụng phương tiện chuẩn bị và khi đã chuẩn bị tốt rồi thì mới thực hiện khả thi, tốt hơn.

Chúng tôi cũng đã có trao đổi với Cục Cảnh sát giao thông để có hướng dẫn chung, trước mắt sẽ không xử phạt đối với ô tô thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên đối với xe khách và xe vận chuyển chất dễ cháy nổ thì đương nhiên phải áp dụng ngay rồi.

Cảnh sát giao thông cũng không được dừng xe để kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy. Trường hợp dừng xe để xử lý vi phạm khác thì kiểm tra xem ô tô đã trang bị thiết bị chưa, nếu chưa thì chỉ nhắc nhở thôi. Cái đó lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cảnh sát giao thông sẽ có hướng dẫn tuyên truyền để người dân biết rõ.

Dư luận phản ứng với việc bắt buộc xe 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa vì rất ít nước trên thế giới có quy định này. Bản thân cơ quan quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là Bộ Giao thông vận tải cũng đã bày tỏ thái độ không đồng tình bởi hiện nay xe cơ giới đã được kiểm soát chất lượng ngay từ khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trong đó có yêu cầu đối với kỹ thuật trong phòng cháy chữa cháy, sử dụng vật liệu có khả năng chống cháy rồi ?

Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy là đơn vị xây dựng thông tư cũng đã có thống kê khá rõ về chuyện này rồi đấy. Theo tôi được biết thì ngay ở Châu Âu có 14 nước quy định về việc ô tô phải trang bị bình cứu hỏa.

Các nước thì quy định như vậy nhưng phải thấy rằng việc chúng ta quy định xuất phát từ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Còn trong các xe chưa có thì bây giờ phải hướng dẫn lắp đặt, tính toán để vừa an toàn, vừa đạt yêu cầu đề ra.

Trong Thông tư 57 cũng chỉ nói về yêu cầu lắp đặt thuận tiện, không cản trở việc điều khiển xe thôi, cụ thể như thế nào thì cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc đó.

Thưa Thiếu tướng, các xe ô tô từ 4-9 chỗ ngồi gần như không bố trí khu vực để bình chữa cháy nên khi Thông tư 57 có hiệu lực thì người sử dụng phương tiện rất bối rối, không biết phải để bình cứu hỏa ở chỗ nào để thuận tiện sử dụng và không gây ảnh hưởng tới điều khiển xe ?

Chính vì thế nên phải nghiên cứu cho khả thi, an toàn, thuận tiện, không vướng thao tác điều khiển xe. Các chuyên gia phòng cháy chữa cháy sẽ hướng dẫn làm sao đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Có bình đó sẽ giúp chữa cháy ban đầu trên khoang lái và sẽ ngăn ngừa nguy cơ cháy do lý do chập điện, do hút thuốc trên xe chẳng hạn.

Người dân đang rất lo lắng khi thời tiết ở Việt Nam khắc nghiệt, có những ngày nắng nóng nhiệt độ ngoài trời lên tới trên dưới 40 độ C nên để bình cứu hỏa trong xe có thể gây phát nổ và nếu xảy ra sự cố đó thì ai phải chịu trách nhiệm ?

Hiện nay dư luận cũng đang đặt ra vấn đề có nổ hay không, nhưng xưa nay chưa thấy trường hợp nào bình cứu hỏa nổ cả.

Về nguyên tắc, ai kiểm định bình thì phải chịu trách nhiệm. Bình cứu hỏa trang bị cho xe ô tô đều phải được kiểm định, còn người dân mua bình trôi nổi thì khó lắm. Như quy định buộc phải đội mũ bảo hiểm trước đây cũng thế. Nếu người dân sử dụng mũ đảm bảo chất lượng, được kiểm định, có dán tem thì độ va đập tốt hơn. Bình cứu hỏa đạt chuẩn thì khi áp suất tăng lên thì xì ra, không gây nguy hiểm. Cái này còn căn cứ vào quản lý, sử dụng của người dân nữa.

Nhưng ông biết đấy, người dân nước ta thường hay có tâm lý đối phó. Nếu người dân mua bình không đạt chuẩn để trên xe ô tô nhằm tránh bị cảnh sát giao thông xử phạt và xảy ra sự cố thì sao?

Đúng thế. Cũng như mũ bảo hiểm, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân mua mũ đạt chuẩn, còn người dân mua mũ để đối phó thì khi xảy ra sự cố giao thông sẽ không có lợi.

Cái này phải tuyên truyền để người dân có ý thức về cái đó thì sẽ tốt hơn. Đồng thời các cơ quan sẽ phải đấu tranh với hàng giả, hàng nhái nữa.

Chắc chắn sẽ có thời gian tuyên truyền kỹ, chứ không phải mang ra xử phạt ngay đâu. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cảnh sát giao thông sẽ có hướng dẫn, khi nào đạt được các yêu cầu về quản lý thì mới áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.

Trước việc nhiều chuyên gia, dư luận bày tỏ thái độ không đồng tình, trái chiều như thế thì Bộ Công an có chỉ đạo, xem xét lại các quy định của Thông tư 57 không ?

Quy định có ngay trong luật rồi. Quy định xuất phát từ thực tế Việt Nam xảy ra cháy nổ nhiều, nên cũng giống như việc buộc phải đội mũ bảo hiểm trước đây ấy.  Lúc áp dụng đội mũ bảo hiểm thì xã hội nhiều ý kiến trái chiều lắm nhưng sau thời gian áp dụng thấy hiệu nghiệm và tác dụng của nó thì dư luận xã hội cũng ủng hộ thôi.

Quy định này có tác dụng của nó, phòng ngừa thì bao giờ cũng tốt hơn là để xảy ra rồi mới thực hiện thì sẽ khó. Hơn nữa nó phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)