1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá

(Dân trí) - Lò cao được xây dựng trong hang đá, nơi đây đã từng ghi dấu ấn về tinh thần lao động sáng tạo và quả cảm của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trước kẻ thù đầy hiểm nguy.

Đó là Lò cao kháng chiến Hải Vân ở thôn Đồng Mười, xã Vĩnh Hoà, huyện Như Xuân (nay là xã Hải Vân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa).

Chứng tích lịch sử…

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 45km về phía Tây Nam. Lò cao kháng chiến Hải Vân được xây dựng vào năm 1951 và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 1km. Đây là công trình gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Trần Đại Nghĩa.
 
Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá - 1
Lối vào khu vực lò cao kháng chiến

Với tinh thần sáng tạo và quyết tâm xây dựng bằng được lò cao mới để sản xuất gang phục vụ cho việc chế tạo vũ khí, cuối năm 1949, Cục quân giới Việt Bắc và Sở Kỹ nghệ Trung bộ đảm nhận đã quyết định chuyển toàn bộ cơ sở thí nghiệm lò cao từ Nghệ An ra Thanh Hoá để xây dựng lại tại đây.

Trong khoảng thời gian đặt tại Nghệ An, do địa điểm này thường xuyên bị máy bay địch tấn công phá hoại nên công tác sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi di chuyển ra Thanh Hóa, lò cao kháng chiến được chọn vị trí xây dựng trong một thung lũng bao quanh là núi tại thôn Đồng Mười, xã Hải Vân. Nơi đây có địa thế hiểm trở, có nhiều hang động, lại nằm bên dòng sông Mực hiền hòa.

Với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trong điều kiện đường đi lại khó khăn, máy bay địch thường xuyên bắn phá trong khi đó máy móc lại vừa nặng vừa cồng kềnh, phương tiện chuyên chở chủ yếu là sức người. Nhưng được nhân dân địa phương ủng hộ, cuối cùng hàng trăm tấn máy móc cũng đã được vận chuyển từ Nghệ An ra Thanh Hoá an toàn để xây dựng nhà xưởng.
 
Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá - 2
Cửa vào lò cao kháng chiến trong hang 

Chỉ sau 15 tháng xây dựng trong điều kiện bắn phá của kẻ địch, đến tháng 9/1951, các chiến sỹ quân giới đã xây dựng thành công 2 lò cao ở thung lũng Đồng Mười với ký hiệu NX1 (chuyên sản xuất), NX2 (chủ yếu để nghiên cứu).

Đến ngày 19/12/1951 mẻ gang đầu tiên đã ra lò, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho ngành luyện kim Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Chỉ trong 2 năm lò cao NX1 và NX2 đã sản xuất được gần 400 tấn gang phục vụ cho các xưởng sản xuất vũ khí và một số nông cụ đáp ứng cho tiền tuyến và hậu phương.

Tuy nhiên, một thời gian sau, khi tình hình sản xuất gang đang tiến triển tốt thì bị địch phát hiện ra khu vực lò cao, chúng đã cho máy bay ngày đêm oanh tạc, bắn phá. Trước tình hình ấy, được sự đồng ý của thượng cấp, ban lãnh đạo lò cao Đồng Mười đã quyết định di chuyển toàn bộ xưởng sản xuất vào trong hang Đồng Mười, cách khu vực cũ khoảng 1km, lò cao NX3 ra đời từ đấy.

Do điều kiện hang chật chội, máy móc lại cồng kềnh nên lúc đầu ban lãnh đạo nhà máy gặp không ít khó khăn. Sau đó, đã phải sử dụng tới 400 phát mìn để sửa lại hang với 2 cửa ra vào thông thoáng, biến hang động này trở thành một pháo đài “bất khả xâm phạm”.
 
Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá - 3
Trải qua hơn nửa thế kỷ tồn tại, lò hơi của công trình đã bị xuống cấp

Không lâu sau, từ việc vận chuyển, cải tiến, lắp đặt, đến tháng 11/1953, lò cao chính thức đi vào hoạt động giữa những ngày bom đạn ác liệt của kẻ thù. Lò cao NX3 có dung tích 8,3m3 với chiều cao toàn thân 13m, mỗi ngày sản xuất trung bình được 3 tấn gang. Sau hơn một năm ra đời, lò cao NX3 đã ngừng hoạt động từ tháng 12/1954.

Chỉ trong vòng 3 năm ra đời và phát triển từ lò NX1, NX2 đến NX3 đã sản xuất được hàng nghìn tấn gang phục vụ cho tiền tuyến và hậu phương, đó là thành tựu to lớn và có ý nghĩa của ngành luyện kim Việt Nam. Đặc biệt là cung cấp trên 500 tấn gang phục vụ quân sự, góp phần tạo nên một Điện Biên Phủ chiến thắng chấn động địa cầu.

Và tại địa phương, trong chiến thắng giòn giã của quân ta tại đèo Hải Vân cuối năm 1953, bằng những vũ khí được chế tạo từ gang, thép ở đây, nên lò cao NX3 được vinh dự đổi tên thành “Lò cao kháng chiến Hải Vân”.

Di tích sắp thành phế tích

Trong thời kỳ kháng chiến, Lò cao kháng chiến Hải Vân đã góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến của dân tộc, là một minh chứng cho sự sáng tạo và lòng quả cảm của những người lính trên mặt trận sản xuất. Nơi đây còn được xem như là bảo tàng sống của quân và dân ta trong một thời máu lửa.
 
Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá - 4
Bức tường nơi ghi những khẩu hiệu sản xuất và chiến đấu đã bị lu mờ và bị bôi vẽ nguệch ngoạc

Trải qua hàng chục năm ra đời, và nhất là sau khi hòa bình lập lại, đến năm 2000, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Mặc dù đã được công nhân là di tích lịch sử, song cho đến nay Lò cao kháng chiến Hải Vân chẳng khách gì một công trình vô chủ.

Hiện nay, con đường vào hang cỏ dại mọc um tùm chỉ còn một lối mòn nhỏ. Càng đi sâu vào phía trong hang, rác rưởi được vứt bừa bãi khắp nơi, trên các vách hang nơi từng viết các khẩu hiệu như “tất cả cho tiềnn tuyến”, “tất cả để đánh thắng”… đã bị lu mờ bởi những dòng chữ chi chít của những khách tham quan đến đây để lại. 

Đặc biệt, toàn bộ hệ thống lò cao NX3 như: Máy phát lực, máy cung cấp nước, hệ thống lọc bụi, quạt gió… đều đã bị nhân dân trong vùng tháo dỡ hết, thậm chí những linh kiện được các chiến sỹ quân giới ngày xưa chôn sâu dưới lòng đất cũng bị đào bới lên để lấy sắt bán. Duy nhất trong hang hiện nay đang còn một số bộ phận như ống khói, đường thoát nước và thoát hơi độc là còn nguyên vẹn do các bộ phận này quá lớn và được đặt ở những vị trí hiểm trở nên chưa bị tàn phá.
 
Thăm lại lò cao kháng chiến trong hang đá - 5
Di tích đang cần được tôn tạo và bảo vệ (Ảnh: Tuấn Thanh)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Quốc Ngoạn, Trưởng Phòng Văn hoá thể thao và Du lịch huyện Như Thanh cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ nhờ một gia đình sống gần đó trông coi, còn kinh phí để tu bổ di tích còn thiếu. Năm 2008 Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch có cung cấp cho chúng tôi một ít kinh phí để tu bổ di tích, nhưng số tiền đấy quá ít, chỉ đủ làm được một con đường dẫn vào hang”.
 
Một công trình từng là biểu tượng của sự sáng tạo và là niềm tự hào của ngành luyện kim Việt Nam đang cần được bảo tồn để giáo dục cho thế hệ mai sau về những thành tựu mà cha ông xưa đã làm được.  

Duy Tuyên - Tuấn Thanh