1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Trị:

Ngư dân băn khoăn việc xác định ranh giới hải sản an toàn

(Dân trí) - Phấn khởi với thông tin cá tầng nổi đã an toàn, nhưng nhiều người dân cho rằng, khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý là chưa rõ ràng, còn khá trừu tượng. Ở giữa biển bao la thì rất khó xác định ranh giới an toàn vì cá đâu nằm yên một chỗ mà di chuyển theo luồng.

Sau gần 5 tháng xảy ra thảm họa môi trường do Formosa gây ra đối với vùng biển các tỉnh miền Trung, mới đây Bộ Y tế đã đưa ra kết luận: Các loại hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km).

Cá tầng nổi ăn được, ngư dân chuẩn bị ghe, thuyền ra khơi

Trở lại vùng biển bãi ngang xã Trung Giang, huyện Gio Linh, chúng tôi ghi nhận một số ngư dân đã bắt đầu di chuyển thuyền xuống biển để chuẩn bị ra khơi sau mấy tháng nằm bờ chờ đợi. Gặp chúng tôi, ngư dân Dương Đức Phương, xã Trung Giang nói: “Đã nhiều tháng nay úp thuyền nằm bờ, cuộc sống gia đình cũng rơi vào khó khăn do không làm nghề được. Nay Bộ Y tế đã kết luận cá tầng nổi an toàn nên tui đưa thuyền xuống để ra biển đánh bắt trở lại với mong muốn trang trải được phần nào cho cuộc sống”.

Ông Phương cùng bạn di chuyển thuyền xuống biển để chuẩn bị ra khơi
Ông Phương cùng bạn di chuyển thuyền xuống biển để chuẩn bị ra khơi

Ngư dân Trương Xuân Thiệt ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) cũng hồ hởi với thông tin cá tầng nổi đã an toàn. Cách đây 2 tháng ông Thiệt đã tự tu sửa tàu thuyền để đợi dịp ra biển trở lại, vì vậy khi nghe thông tin trên, ông lập tức lắp máy móc vào thuyền, kiểm tra lại đống lưới vo tròn vứt ở xó nhà để chuẩn bị đi bắt cá cơm, cá trích.

“Nghe thông tin vậy cũng mừng, bà con cũng tự khắc phục khó khăn để ra biển đánh bắt lo cho cuộc sống gia đình. Cơ quan chức năng khuyến cáo vậy thì mình cũng chỉ bắt cá tầng nổi chứ ở nhà thì không biết lấy gì mà sống”, ông Thiệt nói.

Tại xã biển Gio Hải, các ngư dân cũng sắp sửa ghe, thuyền để ra khơi trở lại. Mặc dù, không khí vẫn trầm lắng và chưa cải thiện nhiều so với trước đây, nhưng đây vẫn là tín hiệu đáng mừng vì người dân có thể bám biển để mưu sinh trở lại.

Cảnh đông đúc khó gặp tại cảng cá Cửa Tùng kể từ sau thảm họa môi trường
Cảnh đông đúc khó gặp tại cảng cá Cửa Tùng kể từ sau thảm họa môi trường

Cuối giờ chiều, không khí tại cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cũng trở nên sôi động hơn bởi có vài thuyền cập bờ bán cá. Sau cả ngày dài đánh bắt trên biển, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thẩm, thị trấn Cửa Tùng vào cảng với lượng hải sản đáng kể mà anh em thuyền viên câu được.

Ông Thẩm cho biết, ông cùng một số thuyền viên ra khơi vào lúc 2h sáng. Thuyền đánh bắt cách bờ khoảng 20 hải lý. Chuyến này thuyền ông cũng thu về hơn 2 tạ cá nục, cá trích các loại. “Số cá này tui bán lại cho người ta để vận chuyển đi phân phối các nơi. Lăn lộn cả ngày trời vất vả trên biển nhưng giá cả vẫn rẻ lắm, mỗi kg cá nục chỉ bán được khoảng 15 ngàn đồng, cá trích được 10 ngàn đồng, không đủ chi phí dầu máy và chia cho anh em. Trung bình mỗi người cũng chỉ nhận được 100-150 ngàn đồng mà thôi”, ông Thẩm nói.

Cá nục sống ở tầng nổi được xác định là an toàn để sử dụng
Cá nục sống ở tầng nổi được xác định là an toàn để sử dụng

Vừa tất bật vận chuyển cá từ thuyền lên bờ, ông Thẩm trăn trở: “Cuộc sống vất vả thì phải ra biển đánh bắt thôi, ở nhà không biết làm gì. Không biết những ngày tới, khi kết luận của Bộ Y tế được thông tin rộng rãi thì giá cả có cải thiện hơn không, chứ như bây giờ thì khốn đốn quá. Người dân vẫn mang tâm lý lo ngại nên vẫn e dè trong việc sử dụng hải sản. Nhưng cái nghề ông cha đã gắn bó bao đời rồi, con cháu phải cố gắng bám nghiệp chứ không thể bỏ được”.

Hình ảnh dễ nhìn thấy là ngư lưới cụ của bà con ngư dân vẫn xếp chồng ở bãi biển
Hình ảnh dễ nhìn thấy là ngư lưới cụ của bà con ngư dân vẫn xếp chồng ở bãi biển

Ngư dân băn khoăn việc xác định ranh giới an toàn hải sản!

Kết luận mới đây của Bộ Y tế về độ an toàn của hải sản đã phần nào giúp người dân an tâm hơn trước, giải tỏa được một số khó khăn cho ngư dân. Tuy vậy, bà con vẫn chưa hết lo vì tâm lý người dân còn e ngại việc sử dụng cá biển.

Mặt khác, nhiều ý kiến người dân cho rằng, khuyến cáo của Bộ Y tế việc không sử dụng các loại hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý là vẫn chưa rõ ràng, còn khá trừu tượng. Ở giữa biển bao la thì rất khó xác định ranh giới an toàn vì cá đâu nằm yên một chỗ mà di chuyển theo luồng.

Bà Phan Thị Tư, chủ một cơ sở đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng, nói: “Nghe thông tin cá tầng nổi ăn được thì phấn khởi, nhưng cá tầng đáy vẫn bị nhiễm độc, vẫn úp mở 13,5 hải lý trở vào chưa ăn được thì chúng tôi vẫn còn nhiều lo âu. Bởi ranh giới xác định nó mỏng manh lắm. Chính vì vậy, người tiêu dùng vẫn sợ nên việc buôn bán của chúng tôi vẫn còn rất khó khăn”.

Các loại cá nục vẫn có giá thấp, chưa được cải thiện
Các loại cá nục vẫn có giá thấp, chưa được cải thiện

Theo bà Tư, lợi nhuận mà các vựa cá như bà thu được, chủ yếu là từ cá tầng đáy. Đơn cử như việc thu mua 30 tấn cá tầng nổi, thì lời lãi thu được chưa chắc bằng 3 tấn cá tầng đáy, vì giá trị cá tầng đáy cao hơn rất nhiều. Bà Tư băn khoăn: “Việc cơ quan chức năng công bố an toàn là đã dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu, nhưng phải làm sao cho người tiêu dùng tin thì mới giải quyết được khó khăn cho bà con ngư dân và những người làm nghề hậu cần biển”.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm