Nghịch lý chuyện sàm sỡ phụ nữ phạt 200.000 đồng, đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng
(Dân trí) - Đây là một ví dụ được dẫn chứng, phân tích trong báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri do Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình Quốc hội xem xét tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, sáng 20/5…
Cử tri hỏi trách nhiệm, Bộ Giáo dục trả lời việc hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia
Báo cáo của Ban Dân nguyện cho biết, về vấn đề tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cử tri TP.Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT luôn thay đổi đề án thi làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này. Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.
Trả lời cử tri tại văn bản ban hành hồi cuối tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi.
Ngày 4/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc. Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận xét, việc trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu như vậy còn rất chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.
Bà Hải phân tích, cử tri nhiều địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử đã phát hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT chỉ nêu, ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi.
Trả lời như thế là chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, như trách nhiệm của Bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi,... chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm. Chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm,... nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường ĐH xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này. Việc xử lý các cá nhân tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những vi phạm nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.
Bức xúc với nạn buôn bán ma túy, xâm hại tình dục...
Cũng trong lĩnh vực xã hội, Ban Dân nguyện điểm lại ý kiến cử tri các địa phương TPHCM, Đà Nẵng, Yên Bái, Thái Bình, Quảng Ninh... phản ánh hoạt động băng nhóm xã hội đen, bảo kê, buôn bán ma túy, các vụ giết người, cho vay nặng lãi, xâm hại tình dục trẻ em... gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân và đề nghị có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Bộ Công an đã thông tin đến cử tri về việc Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Năm 2018, tình trạng vi phạm pháp luật hình sự trên toàn quốc giảm 0,61% số vụ so với năm 2017; phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy nhiều hơn 6,33% số vụ, 2,8% số đối tượng, thu giữ ma túy tăng gần 250 kg, hơn 3 tấn và hơn 1 triệu viên ma túy tổng hợp; điều tra, khám phá gần 45 nghìn vụ tội phạm về trật tự xã hội... Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, vẫn gây lo lắng, bức xúc dư luận như cử tri phản ánh.
Lĩnh vực phòng chống tham nhũng, cử tri các địa phương như TPHCM, Đắk Lắk, Bình Định... đề nghị kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nếu phát hiện trường hợp kê khai không đúng với thực tế cần xác minh rõ ràng, nếu là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc đề nghị thu hồi toàn bộ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc...
Về phản ánh tham nhũng vặt vẫn khó phát hiện, xử lý, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Những chỉ đạo kịp thời với vấn đề mới phát sinh của Thủ tướng như nạn tín dụng đen, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm người dân lo lắng, băn khoăn, tình hình người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng khiến người dân hoang mang khi tham gia giao thông… của người đứng đầu Chính phủ cũng được đánh giá cao.
Đánh giá chung, ngoài con số tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri rất cao, gần như tuyệt đối, Trường Ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số hạn chế tồn tại như việc trả lời còn chung chung, “lấy vì”, việc giải quyết chưa triệt để, thấu đáo, mới chỉ dừng ở việc dẫn văn bản, quy định pháp luật.
Mặt khác, việc tiếp thu kiến nghị cử tri, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng (quá nặng hoặc quá nhẹ gây bức xúc).
Trưởng Ban Dân nguyện dẫn ví dụ so sánh, cử tri nhiều địa phương đề nghị bổ sung hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”; hành vi quấy rối tình dục đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đồng thời sửa đổi các mức xử phạt trong các nghị định cần nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.0000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167). Việc này khiến dư luận bức xúc do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội, mức phạt còn quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
Trong khi đó, mức phạt đối với hành vi đổi 100 USD tại cửa hàng vàng (nơi không được phép thu đổi ngoại tệ) của một công dân ở Cần Thơ là 90.000.000 đồng. Mức xử phạt hành chính trong những trường hợp đó được cho là có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp thực tế nên chưa được người dân đồng tình, ủng hộ.
P.Thảo