1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Năm 2016 sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công

(Dân trí) - Theo ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được trình ra Quốc hội thông qua sáng nay (11/11) sẽ quy định về việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công.

 

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Thế Kha).
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Thế Kha).

 

Trao đổi với báo chí hôm qua, ông Bùi Đức Thụ cho biết Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã họp với các bộ ngành để thống nhất về dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Theo ông Thụ, các đại biểu tham dự cuộc họp đã khẳng định, nếu tiếp tục giữ cung cách quản lý xe công như hiện nay thì rất lãng phí và gây bức xúc dư luận. Chính vì thế các đại biểu đề nghị năm 2016 cần triệt để tiết kiệm mua sắm xe công và đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công để hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa vào dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 quy định “đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán xe công”. Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ rà soát lại cơ chế, phương thức, cách làm, đối tượng khoán xe công nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Bên cạnh đó, ông Bùi Đức Thụ còn cho biết dự thảo nghị quyết yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành thắt chặt tài khóa, hạn chế tổ chức các đoàn đi nghiên cứu khảo sát nước ngoài; tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo lễ hội, khánh tiết…

Trước đó như Dân trí phản ánh, báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp chuyên đề tháng 10 vừa qua về chính sách quản lý xe ô tô công cho biết, số lượng xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí khá lớn trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, vào khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Như vậy, ước tính mỗi năm, 40.000 xe công sẽ tiêu tốn khoản tiền ngân sách lên tới 12.800 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm