1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỹ Hòa, thêm một ngày tuyệt vọng!

(Dân trí) - Nhá nhem tối. Rồi tối hẳn. Gần 40 con người trong cái lán tạm bợ không hề biết đến điều đó. Những ánh mắt đục ngàu luôn hướng về khối đổ nát. 6 người còn mất tích, 4 người con của xã chắc chắn vẫn đang quặn mình dưới đống đổ nát lạnh tanh.

Thêm một ngày nữa, những linh hồn không được ngủ. Một ngày nữa, những trái tim mềm nhũn ra trong nỗi đau quặn thắt.

 

4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Út, người phụ nữ còm cõi nhân lúc bảo vệ đi vắng đẩy cái hàng rào sắt để vào trong đống đổ nát tìm con mình. Bà đã khóc, đã gào thét hết cả ngày hôm qua mà anh Đỗ Văn Sáu vẫn chưa được tìm thấy. Ngất lịm đi rất lâu, các bác sĩ đã tiêm thuốc trợ tim liều mạnh bà mới tỉnh lại.

 

Đi được tới gần đống đổ nát, hai nhân viên bảo vệ khó khăn lắm mới đưa được bà quay trở ra. Bà ngồi bệt xuống, hai tay chắp vào ngực rồi úp người xuống đất gào thét. “Má biết mày đi rồi! Sáu ơi! Má chỉ muốn biết mà ở đâu để họ đưa về, để má tắm rửa cho mày rồi đặt mày cạnh cha thôi! Mày không thương má sao con”.

 

Mỹ Hòa, thêm một ngày tuyệt vọng! - 1
Bà Út ngất xỉu vì kiệt sức sau một đêm thức trắng ngóng tin con. (Ảnh: Nhật Trường).

 

Bà nằm như thế, tấm lưng còng thỉnh thoảng giật lên bần bật. Sau lưng bà, 40 con người thút thít. Rồi những tiếng khóc vỡ oà, đoàn người dìu nhau vịn vào hàng rào sắt mà kêu khóc.

 

Chị Tâm, vợ anh Sáu, đôi mắt ráo hoánh, chị không còn nước mắt để mà khóc nữa. Cũng không còn đủ sức  để đỡ bà dậy nữa. Chị ôm lấy tấm lưng mẹ chồng. Bàn tay gầy guộc của chị bấu nát tấm áo của bà trên lưng.

 

Thêm một thi thể vừa mới được đưa ra. Dân xã chạy ào về phía chiếc băng ca có xác người bịt kín. Người liệm xác đọc tên Nguyễn Quốc Dũng. Mẹ Dũng quỵ xuống, mấy anh em Dũng nhấc bổng bà mẹ lên chạy theo chiếc băng ca xuống bến tàu. Chiếc ca nô rú lên một hồi còi thảm thiết rồi xé đôi dòng sông Hậu hướng về phía bến Ninh Kiều. Mấy chục con người lại vào cái lán tạm, ngồi tựa vào nhau câm lặng.

 

Mỹ Hòa, thêm một ngày tuyệt vọng! - 2

Đã hai đêm rồi, những phụ nữ ngóng tin chồng, chờ tin con thức trắng, không ai rời mắt khỏi đống bê tông đổ nát. (Ảnh: Nhật Trường).

 

Cái lán lại có tiếng thút thít, tiếng khóc có cái gì đó uất nghẹn. Anh Trần Văn Hận như vùa khóc vừa cười. “Vậy là thằng Hơn sắp ra đây với con nó rồi. Người ta thấy nó đứng bên cạnh thằng Dũng cơ mà”. Anh nói rồi ôm ghì đứa cháu gái vào lòng mình. Ghì chặt đến nỗi đứa trẻ ho bật lên một tiếng.

 

Anh cho biết nó tên là Trần Thị Cẩm Thuý, con đầu của anh Hơn. Nhà nghèo, mẹ nó bỏ cha đi Sài Gòn 5 năm rồi. Anh Hơn bị sốc rồi như khùng. Mấy anh em làm mướn làm thuê chữa bệnh. Anh Trần Văn Hơn khỏi bệnh mới vào làm chưa đầy một tháng, còn chưa kịp nhận lương đưa về cho con bé mua áo mới.

 

Có tiếng người đưa bánh trung thu ăn thay buổi sáng. Tôi vỗ về rồi đưa cho anh Hận một cái. Anh bẻ làm đôi rồi đưa cho cháu gái mình. Anh đưa lên miệng rồi bỗng dừng lại. Con bé không ăn được, nước mắt cứ ứa ra chảy tràn xuống miệng nó. Hai miếng bánh khẽ khàng rơi xuống đất, bốn cánh tay run lẩy bẩy lại nắm lấy nhau rưng rức.

 

Mỹ Hòa, thêm một ngày tuyệt vọng! - 3

Đến những người đàn ông cứng rắn, ngang tàng nhất cũng không kìm nổi nước mắt. (Ảnh: Nhật Trường).

 

Bên cạnh tôi, chị Trần Thị Tuyết Nga cùng 5 đứa con nhỏ ra đây ngóng tin cha đã hai đêm cũng nấc lên từng hồi. 5 đứa con ôm thay phiên nhau chui vào lòng chị, đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi.

 

Cả lán lại khóc, mấy chục con người lại khóc. Nước mắt rơi lã chã xuống tấm bạt đen nhẻm. Tôi cũng khóc. Khóc thành tiếng. Tôi thức với họ đã 2 đêm rồi và sẽ còn thức cùng họ. Không ai còn đứng vững ở đây hoặc đi ngang đây.

 

Trong kia, xa hơn nữa đống bê tông đổ nát, Mỹ Hoà leo lét những ngọn đèn trong đêm tối. Từng đám ma chay đi về tiếng cầu siêu vang vọng. Gần 40 con em trong xã đã ra đi, số bị thương tôi không đếm được. Đau quá Mỹ Hoà ơi!

 

Nhật Trường