1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều người đi xe máy bị tổ công tác đặc biệt ở Hà Nội xử lý vi phạm

Trần Thanh

(Dân trí) - Nhiều tài xế xe ôm công nghệ đi vào làn xe buýt, chở theo khách không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh bị tổ công tác đặc biệt Công an TP Hà Nội xử lý…

Theo Phòng CSGT Hà Nội, Nghị định 168/2024 đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân Hà Nội. Hình ảnh người dân xếp hàng chờ đèn tín hiệu, đi đúng làn đường tại các tuyến trọng điểm ngày càng phổ biến.

Nhiều người đi xe máy bị tổ công tác đặc biệt ở Hà Nội xử lý vi phạm - 1

Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã tăng đáng kể từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực (Ảnh: Trần Thanh).

Để bảo đảm hiệu quả, từ đầu năm, lực lượng CSGT đã tập trung triển khai kế hoạch cao điểm, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng 20/1, Tổ công tác đặc biệt số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý các lỗi vi phạm giao thông tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tại đây, lực lượng chức năng tiến hành xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm giao thông như lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, đi xe máy vào làn buýt BRT... Đặc biệt, nhiều trường hợp tài xế xe ôm công nghệ vi phạm cũng bị xử lý nghiêm.

Nhiều người đi xe máy bị tổ công tác đặc biệt ở Hà Nội xử lý vi phạm - 2

Tổ công tác xử lý các trường hợp xe máy đi vào làn xe buýt BRT sáng 20/1 (Ảnh: Trần Thanh).

Đơn cử, như trường hợp tài xế xe ôm công nghệ P.V.P. (34 tuổi), chở theo khách đi vào làn buýt BRT và bị cảnh sát dừng xe xử lý.

Khi bị cảnh sát lập biên bản xử phạt với số tiền 700.000 đồng với hành vi vi phạm, nam tài xế tỏ ra ân hận và than thở "cả ngày em làm chưa được tới 400.000 đồng vì còn phải trừ xăng xe, tiền cho hãng. Phạt cao như này chắc em bỏ nghề".

Hay như trường hợp của lái xe ôm công nghệ N.V.S. (44 tuổi), chở theo hàng cồng kềnh cũng bị tổ công tác đặc biệt xử lý. Anh S. chia sẻ, do cuối năm là thời điểm nhiều việc, anh tranh thủ vừa chở khách vừa chở thêm hàng hóa để có cái Tết "ấm" hơn nên đã trót vi phạm.

Trung tá Vũ Kiên Cường, tổ trưởng tổ công tác đặc biệt cho biết, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã tăng cao, các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát... đã giảm rõ rệt.

Nhiều người đi xe máy bị tổ công tác đặc biệt ở Hà Nội xử lý vi phạm - 3

Tài xế P. chở khách đi vào làn xe buýt BRT bị cảnh sát xử lý (Ảnh: Trần Thanh).

Tuy nhiên theo vị cán bộ cảnh sát giao thông, trong các khung giờ cao điểm vẫn còn xuất hiện một số trường hợp vi phạm, đặc biệt là các tài xế xe ôm công nghệ và một bộ phận thanh, thiếu niên...

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịp cuối năm khi nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao. Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó, tăng cường phân luồng, điều tiết giao thông tại tất cả các nút giao và tuyến trọng điểm.

Nhiều người đi xe máy bị tổ công tác đặc biệt ở Hà Nội xử lý vi phạm - 4

Chốt kiểm soát của tổ công tác đặc biệt số 6 sáng 20/1 (Ảnh: Trần Thanh).

Cùng với đó, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các công trình giao thông, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông, và triển khai phương án phân luồng giao thông hợp lý nhằm bảo đảm tình hình giao thông ổn định cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 14/1, toàn TP Hà Nội xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, so sánh cùng kỳ 2024 đã giảm 10 vụ, giảm 17%. Trong nửa tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn thành phố đã xử lý 12.267 trường hợp vi phạm, phạt tiền ước tính 30,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, có 1.261 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe.