Metro số 1 TPHCM "qua cửa" chứng nhận an toàn, nhưng đi kèm khuyến cáo
(Dân trí) - Dù còn một số khuyến cáo đi kèm, nhà chức trách đường sắt đã phê duyệt hạng mục an toàn hệ thống cho tuyến metro đầu tiên của TPHCM.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết Cục đã cấp chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào ngày 16/12.
Đây là một trong 4 "cửa ải" mà chủ đầu tư metro phải vượt qua để được đưa công trình vào phục vụ người dân. 3 nhiệm vụ còn lại gồm Giấy phép môi trường của Bộ TN&MT, Chứng nhận PCCC của C07 và chứng nhận nghiệm thu dự án của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.
Chứng nhận an toàn kèm khuyến cáo
Theo Cục Đường sắt, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống BVT xác định dự án đã đạt các chỉ tiêu an toàn cơ bản. Tuy nhiên, Tư vấn cũng đưa ra một danh sách các phát hiện, khuyến cáo liên quan đến vấn đề an toàn.
Cục Đường sắt đánh giá các phát hiện, khuyến cáo của Tư vấn BVT là rất hữu ích cho đơn vị vận hành trong quá trình khai thác dự án.
Một số phát hiện là cơ sở để đơn vị vận hành hoàn thiện, bổ sung quy trình khai thác, tăng thêm nhân lực vận hành; xác định các hạng mục có thể tiếp tục đầu tư trong tương lai để nâng cao an toàn.
Cục Đường sắt nhấn mạnh các khuyến cáo của Tư vấn BVT nêu trong Giấy chứng nhận an toàn hệ thống là điều kiện để đảm bảo an toàn trong vận hành thương mại, do đó chủ đầu tư, đơn vị vận hành Metro số 1 phải tiếp nhận đầy đủ, nghiên cứu để hiểu rõ bản chất và thực hiện nghiêm túc.
Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chủ đầu tư và đơn vị vận hành trong việc khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành khai thác tuyến Metro số 1 TPHCM.
Khó khăn tương tự metro Cát Linh - Hà Đông
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết chủ đầu tư Metro số 1 TPHCM cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ cho Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống do Luật Đường sắt ra đời năm 2017 mới yêu cầu dự án đường sắt đô thị phải được chứng nhận an toàn.
Hạng mục đánh giá an toàn hệ thống được triển khai muộn. Đến tháng 9/2023, chủ đầu tư Metro số 1 TPHCM mới ký hợp đồng tư vấn, trong khi hạng mục xây dựng thô, mua sắm thiết bị... đã hoàn thành. Khi Tư vấn BVT yêu cầu một số hồ sơ, giấy tờ, chủ đầu tư không thể cung cấp.
Cũng tương tự tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống của metro số 1 TPHCM đã đưa ra một danh sách khuyến cáo về an toàn để chủ đầu tư và đơn vị vận hành metro lưu ý trong quá trình vận hành.
Đánh giá an toàn hệ thống là bước nghiệp vụ bắt buộc trước khi đưa dự án đường sắt đô thị vào khai thác. Chủ đầu tư sẽ thuê tư vấn độc lập thực hiện công việc này.
Tư vấn yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị tại dự án. Ngoài ra, Tư vấn cũng giám sát quá trình vận hành thử, thí nghiệm hiện trường để phát hiện các nguy cơ mất an toàn.
Thông qua việc đánh giá, Tư vấn sẽ phát hành chứng nhận an toàn hệ thống. Trường hợp vẫn còn ghi nhận rủi ro an toàn tại dự án, chứng nhận an toàn sẽ đi kèm một danh sách khuyến cáo (chứng nhận an toàn có điều kiện).
Sau khi Tư vấn phát hành hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống, hồ sơ này còn phải trải qua bước thẩm định của Cục Đường sắt (cơ quan quản lý chuyên ngành) mới chính thức có giá trị.
Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhận chứng nhận an toàn hệ thống đi kèm danh sách 16 phát hiện (khuyến nghị) về an toàn từ Tư vấn ACT. Các khuyến nghị này khiến cho Hanoi Metro (đơn vị vận hành khai thác) phải bổ sung thêm nhiều quy trình và nhân sự để khắc phục những hạn chế.