Máy bay mất tích: Phóng viên cũng “căng như dây đàn”
(Dân trí) - Từ khi xảy ra vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, cùng với quá trình tìm kiếm liên tục của các cơ quan chức năng, những ngày qua, đảo Phú Quốc cũng đã đón hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế đến đây tác nghiệp.
Ngay khi thông tin máy bay Malaysia mất tích được công bố, nữ phóng viên Lam Hiếu của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lập tức ra huyện đảo Phú Quốc để có những bản tin kịp thời gửi đến thính giả trong nước và thế giới.
Mướt mồ hôi theo đuổi thông tin, tinh thần làm việc đầy nhiệt huyết, PV Lam Hiếu chia sẻ: “Mặc dù cơ quan có nhiều phóng viên nam sẵn sàng tình nguyện ra đảo để đưa tin, nhưng vì yêu nghề, vì trách nhiệm với công việc nên tôi đành gác lại chuyện gia đình, 2 con nhỏ phó mặc cho chồng, xách ba lô lên đường với hy vọng cung cấp cho bạn đọc những bản tin “nóng” nhất, hay nhất, chính xác nhất”.
“Tôi hiểu rằng rất nhiều người trên thế giới đang đổ dồn về đây để nghe ngóng tình hình, mong chờ từng tia hy vọng nhỏ nhoi. Các ban ngành đoàn thể đã huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện để tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Họ đã làm rất có trách nhiệm trong công tác cứu nạn; vì thế mình cũng phải có trách nhiệm chuyển tải tới bạn đọc và bạn nghe đài quá trình tìm kiếm, cứu hộ cũng như những nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam”, chị Hiếu nói.
Những ngày qua, từ bậc cầu thang, nhà kho đến các phòng họp của đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc đều trở thành bàn làm việc của các phóng viên. Những đôi chân thoăn thoát, những ngón tay gõ bàn phím liên hồi, những cú bấm máy chớp nhoáng, mong có thể chuyển những thông tin nhanh nhất về tòa soạn.
Sở Chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc nằm cách xa sân bay, cách xa khu dân cư nên việc ăn uống của các phóng viên rất khó khăn. Đa phần các phóng viên tham gia sự kiện này đều ở nơi khác đến, gần nhất cũng là phóng viên thường trú từ Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ… nên phương tiện di chuyển là taxi hoặc… đi bộ. Khu vực tác nghiệp cách xa khu dân cư nên nhiều phóng viên phải đem theo bánh mì, cơm hộp, nước… để lót dạ khi đói. Có lúc phải chia nửa ổ bánh mì cho những phóng viên nước ngoài. Những lúc như thế, tình đồng nghiệp, tình bằng hữu đã xóa tan ranh giới về sự khác biệt quốc tịch, ngôn ngữ,...
Ngày 12/3, tại cuộc họp báo buổi sáng, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu thông báo tạm ngừng một số hoạt động tìm kiếm. Tuy nhiên tất cả phóng viên vẫn kiên trì bám trụ, có nhiều người vừa đói vừa khát nhưng không dám đi xa Sở chỉ huy tiền phương, sợ bỏ lọt những thông tin quan trọng.
Chị Phạm Thị Tú Quyên - chủ doanh nghiệp tư nhân Du lịch nhiệt đới ở gần đảo Phú Quốc - cho biết, những ngày qua đã có nhiều phóng viên không xin đi chung được với các phương tiện tìm kiếm như trực thăng, tàu hải quân…, đã đến doanh nghiệp chị mua vé tàu đi ra biển để tác nghiệp. Có 3 phóng viên của Trung Quốc mua vé tàu ra hẳn đảo Thổ Chu thu thập thông tin.
Tại Phú Quốc, nhiều phóng viên đã phải di chuyển với cường độ… chóng mặt. Vừa đáp chuyến bay xuống phi trường, phóng viên tức tốc tìm xe về xã An Thới, cách sân bay hơn 30km. Đường xa, gập ghềnh, bụi bặm nhưng lúc này ai cũng chỉ mong có những thông tin chính xác nhất, nhanh nhất từ Vùng 5 Hải Quân. Ngay sau đó phóng viên lại quay về Sở Chỉ huy tiền phương. Các phóng viên cùng chia vùng người bám trụ Sở chỉ huy, người “săn” tin ở sân bay... Mỗi khi có trực thăng hay thủy phi cơ chuẩn bị xuất hành, các phóng viên lại lăn xả tìm phi hành đoàn xin đi cùng. Phóng viên nào được đi thì hớn hở, có phóng viên buồn thiu vì nhận được cái lắc đầu từ chối. Buồn vì không có dịp trực tiếp tác nghiệp cùng đoàn tìm kiếm, nhưng vì hàng triệu độc giả đang chờ thông tin, tinh thần làm việc ngay lập tức lại được “lên dây cót”.
Phạm Tâm - Công Quang