1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

“Mảng tối” của bức tranh khu đô thị Ciputra

(Dân trí) - Phải bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí là rất lớn mới có thể trở thành cư dân của khu đô thị có vẻ bề ngoài rất Tây, Ciputra. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm cuộc sống ở đây nhiều người mới “ngộ” ra rằng, có quá nhiều thứ họ không thể lường trước...

“Cuộc chiến” phí dịch vụ

Bà Nguyễn Thị Bảy số nhà 23, dãy C4 cho biết, cách đây chưa lâu một văn bản thu phí đột ngột đến với bà và các cư dân sống trong khu đô thị. Văn bản này định ra mức phí cho các dịch vụ vệ sinh, bảo vệ an ninh và chăm sóc cây cối là 3.498đ/m2/tháng. Tính sơ sơ thì một căn hộ có diện tích 126m2 như nhà bà Bảy đã phải nộp trên 400.000đ/tháng, trong khi những hộ có diện tích 360m2 phải tiêu đến trên 1,2 triệu…

Bà Bảy là giáo viên nghỉ một cục, hiện tại chỉ có một khoản thu duy nhất là tiền tuất của ông chồng vừa mất (140.000đ/tháng). Mọi chi phí sinh hoạt của bà và mẹ già chỉ trông cậy vào khoản tiền chênh lệch 500 triệu sau khi bán nhà dưới phố, chuyển vào khu đô thị. Mức thu phí như trên là điều bà không hề lường trước khi quyết định gia nhập vào khu đô thị và nếu mức thu đó trở thành sự thật thì bà không biết chắt bóp theo kiểu nào để sống.

Rất nhiều người dân khá giả hơn ở khu này cũng phát hoảng với mức phí cao và bất hợp lí như vậy. Làn sóng phản đối lập tức rộ lên trong toàn khu dân cư.

Trước việc người dân phản đối kịch liệt, ban quản lí khu đô thị đã có một văn bản hạ mức phí xuống còn 1.590đ/m2/tháng. Tuy nhiên, trong văn bản này có “thòng” một câu: để có mức giá đó, phía Cty đã trợ cấp 54,5%. Theo bà Bảy, mức giá này vẫn quá cao và theo phép tính của bà thì chi phí của Cty cho các dịch vụ thấp hơn nhiều so với số tiền thu về từ người dân.

Cuộc họp của trên 100 hộ dân mới đây chỉ chấp nhận nộp 1.000đ/m2/tháng. Thêm nữa, các cư dân ở đây cũng đề nghị Cty phải bỏ cách đặt vấn đề nước đôi : “đã trợ cấp 54,5%”. Bởi theo như ông Phạm Đình Vịnh, nhà 28, C4 đến một lúc nào đó, rất có thể Cty sẽ lại “leo thang”, thu phí 3.498đ/m2.

Theo ông Vịnh không phải người dân không muốn khu đô thị thiếu qui củ, nhếch nhác nhưng mức phí đưa ra đã vượt quá khả năng của nhiều người. Những người ăn lương nhà nước có được tăng thêm vài nấc lương nữa cũng không theo nổi mức phí do Ban quản lí đặt ra. 

Mới đây người dân ở khu đô thị đã gửi kiến nghị lên Ban quản lí khu đô thị. Một thông điệp được gửi kèm với kiến nghị này là nếu không được giải quyết những cư dân trong khu đô thị sẽ đưa vấn đề ra toà.

Toả ra khắp nơi tìm “cái thiếu”

Ngày mới "nhập cư", dân Ciputra tự hào nhiều về không gian sống hiện đại, thoáng đẹp nơi đây. Nhưng dần dà, niềm tự hào ấy xem ra có kém phần hào hứng, thậm chí có ít nhiều vị "chát".

Bà Nguyễn Thị Bảy tặc lưỡi: "Cái khu bể bơi thì thích thế nhưng mọi dịch vụ khác lại chẳng có gì, cửa hàng không, chợ búa không, siêu thị không, trường học không, trạm xá không…". Bà Bảy phải thuê thêm người giúp việc trong nhà vì trong nhà chỉ còn 2 mẹ con, bà năm nay đã 70, mẹ chồng đã gần "cửu thập", mà riêng việc đi chợ cũng phải đi xa tới gần 2 cây số.

Cư dân khu đô thị hiện đại bậc nhất cả nước nhưng hơn 2 năm nay, từ khi đến ở đây vẫn phải đi "ké"… chợ làng Xuân La - Xuân Đỉnh. Lỡ hết chai dầu, lọ muối cũng chẳng biết mua ở đâu. Nhiều gia đình chỉ có ông già, bà lão, con cái phải đi chợ mua rau quả, thực phẩm tích trữ trong tủ lạnh để dùng dần trong vài ba ngày cho bố mẹ.

Mấy bữa trước bà Bảy cảm sốt sơ sơ nhưng con cháu vẫn phải đưa bà "vào phố" mới có bệnh viện để khám chữa.

Năm 2005, hai vợ chồng bác Phạm Đình Vịnh bán căn nhà to rộng ở khu Nhân Chính, mua một căn hộ diện tích tối thiểu (126m2) cùng dãy với gia đình con gái lớn giá lên tới gần 4 tỷ đồng. Nhưng cả gia đình ở đây rồi mới thấy sống được ở khu đô thị hiện đại, đẹp đẽ, tiện nghi như này cũng… vất vả. Hai cháu ngoại hàng ngày vẫn cần người đưa đón đi học. Một cháu cấp 1, phải học ở trường Chu Văn An, một cháu cấp 2 phải học ở trường Phan Đình Phùng, đều xa nhà gần chục cây số.

Bác Vịnh cho biết, khu đô thị cũng có một trường học, một trường quốc tế, nhưng mức chi phí thì "không thể chịu nổi", "chỉ dành cho con Tây". Mức chi phí trung bình cho một trẻ mẫu giáo học ở trường này thoáng nghe đã "hãi": hơn 200 triệu đồng/năm.

"Chỉ được cái mát mẻ, thoáng đãng" - bác Vịnh thở dài. Bác chỉ mấy cột đèn đường ở mỗi dãy nhà than thở tiếp: "Ở đây cứ tối đến là buồn như… nông thôn. Cả dãy nhà có 2 bóng đèn đường mà 7h30 tối mới có đèn, 10h đêm đã tắt tối om, có muốn đi ra khỏi nhà cũng ngại, trẻ con chẳng có chỗ chơi". Té ra, khu đô thị cao cấp chỉ cố gắng hào nhoáng, rực rỡ ở khu đại dinh, gần cổng ra vào, khu đài phun nước…

Phương Thảo - Cấn Cường