1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Loạt dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội có thể "hưởng" cơ chế đặc biệt

Thế Kha

(Dân trí) - Giai đoạn 2026-2030 Hà Nội dự kiến triển khai hàng loạt dự án đường sắt đô thị và có thể được "hưởng" một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt mà Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đến năm 2035 đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong đó, cơ quan soạn thảo - Bộ Giao thông vận tải đề xuất 8 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM về huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Loạt dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội có thể hưởng cơ chế đặc biệt - 1

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị Hà Nội có thể được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt (Ảnh: Mạnh Quân).

Kèm theo hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải thông tin về các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội dự kiến triển khai trong thời gian tới, có thể được thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù, đặc biệt nêu trên.

Cụ thể, giai đoạn 2026-2030 Hà Nội dự kiến thực hiện tuyến số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi, gồm 3 đoạn (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Nam Thăng Long - Nội Bài). Riêng đoạn kéo dài đi huyện Sóc Sơn sẽ thực hiện trong giai đoạn 2031-2035.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở gồm hai đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đưa vào khai thác từ tháng 8/2024), ga Hà Nội - Yên Sở (quận Hoàng Mai) được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Riêng đoạn Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây được đề xuất sang giai đoạn 2031-2035.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc cũng được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Các tuyến Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; tuyến số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; tuyến số 7 Mê Linh - Hà Đông; tuyến số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá và tuyến vệ tinh Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2031-2035.

Sau năm 2035, theo Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội sẽ thực hiện các tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 2 đoạn từ Trần Hưng Đạo - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt; tuyến 7 đoạn Mê Linh - Nội Bài; tuyến 1A Ngọc Hồi - Sân bay thứ hai ở phía nam của Hà Nội; tuyến 9 Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá; tuyến 10 Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương- Yên Nghĩa; tuyến số 11 Vành đai 2 - Trục phía nam Hà Nội - sân bay thứ hai của Hà Nội; tuyến 12 kéo dài tuyến vệ tinh từ Xuân Mai đi Phú Xuyên.

Nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua, các tuyến đường sắt này sẽ được áp dụng thí điểm hàng loạt cơ chế, chính sách đặc biệt.

Loạt dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội có thể hưởng cơ chế đặc biệt - 2

Tàu điện chạy trên tuyến Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Phạm Hùng thuộc dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội (Ảnh: Minh Hoàng).

Dự thảo nghị quyết đề xuất Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.

Thủ tướng được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng được quyết định huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án đường sắt đô thị.

Về bố trí vốn, UBND TP Hà Nội sẽ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quyết định bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm để triển khai các hoạt động thực hiện trước đối với dự án.

Hà Nội được tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Hà Nội cũng có thể được quyết định việc phân chia dự án thành dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án. Việc phân chia dự án không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thành phố có quyền áp dụng các hình thức chỉ định thầu: lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; tổng thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD…

Đến nay, Hà Nội mới đưa vào khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy), chiều dài khoảng 8,5km.

Việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội được Bộ Giao thông vận tải đánh giá "còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn".

Do vậy, nghị quyết nêu trên rất cần thiết nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp để triển khai đầu tư, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất…