1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ GTVT phải làm rõ thêm chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị

Thế Kha

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm rõ thêm một số vấn đề trong các chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM.

Ngày 4/2, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đến năm 2035.

Đại diện Bộ GTVT (cơ quan soạn thảo) khái quát tình hình triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị những năm qua. Đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy), chiều dài khoảng 8,5km.

TPHCM đưa vào vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài khoảng 19,7km.

Bộ GTVT phải làm rõ thêm chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trao đổi tại cuộc họp (Ảnh: Anh Thư).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Việc xây dựng nghị quyết trên là cần thiết nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp để triển khai đầu tư, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất. Phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, TPHCM trong triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu phát triển.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm cơ sở pháp lý đối với đề xuất về phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).

Bộ GTVT cũng cần rà soát sự phù hợp của dự thảo với quy định tại Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Theo vị này, một số văn bản ban hành sau có thể có những quy định thuận lợi, ưu việt hơn. Do đó, Bộ GTVT cần điều chỉnh lại một số nội dung để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình vận dụng, thực hiện về sau. 

Với đề xuất "dự án được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án", đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá thêm tính khả thi.

Quy định hiện hành về đầu tư quy định tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở. Vì vậy, khi đề xuất lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở, cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cách xác định tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Kết luận cuộc họp, Bộ Tư pháp cho biết tổng hợp đầy đủ các ý kiến của thành viên hội đồng thẩm định và khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định dự thảo nghị quyết theo quy định.

Bộ GTVT phải làm rõ thêm chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị - 2

Tuyến metro số 1 TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Như Dân trí thông tin trước đó, tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất 8 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM về: Huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chính sách riêng cho TPHCM; tổ chức thực hiện.

Trong đó, dự thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.

Thủ tướng được quyết định sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ. Việc này không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng được quyết định huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo đúng nghị quyết; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

UBND TP Hà Nội, TPHCM sẽ tổ chức kiện toàn Ban quản lý đường sắt đô thị bảo đảm đủ năng lực thực hiện quản lý đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.