1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người tố cáo sai phạm đường sắt: "Tôi hiểu rất rõ việc đấu tranh-tránh đâu"

(Dân trí) - Ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói như vậy sau khi Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội có biện pháp, chỉ đạo chấm dứt việc trù dập, đối xử bất công với ông.

Dân trí trao đổi với ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sau khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra khẳng định những nội dung tố cáo của ông Bình về sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là có cơ sở; đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội không được phép có bất cứ hành vi trù dập, đối xử bất công đối với ông Bình, đang gây ồn ào dư luận.

Người tố cáo sai phạm đường sắt: Tôi hiểu rất rõ việc đấu tranh-tránh đâu - 1

Ông Lương Xuân Bình hiện giờ là viên chức Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Những sai phạm lẽ ra đã được ngăn chặn từ rất sớm…

- Tâm trạng của ông như thế nào khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chấm dứt, không được phép có bất cứ hành vi nào trù dập, đối xử bất công với ông?

* Tâm trạng tôi có vui một chút, củng cố thêm niềm tin…và ngay sau đó là sự bình thản, tĩnh lặng. Tôi luôn tin, sớm muộn gì điều đó cũng sẽ đến, tin mình sẽ được đối xử công bằng theo quy định của pháp luật.

Để đi đến đích của việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà nước, tiền thuế của nhân dân, tôi hiểu rằng còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy tôi quyết định minh bạch thông tin, trải lòng mình…. mong có sự thấu hiểu và chia sẻ của mọi người.

- Ông bắt đầu có ý kiến, phản ánh về những sai phạm của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội từ khi nào?. Những áp lực mà ông gặp phải khi quyết định đưa ra những thông tin đó?

* Lần đầu tiên, tháng 8/2014 tôi kiến nghị những dấu hiệu vi phạm pháp luật khi Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tăng 6,5 triệu Euro (180 tỷ đồng khi đó) cho hợp đồng trọn gói với tư vấn Sytras. Việc kiến nghị diễn ra trong nội bộ Ban, tự nhiên như một nhiệm vụ  mà mình phải thực hiện.

Tháng 1/2015, tôi viết báo cáo gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây là quyết định khó khăn nhất trong suốt 35 năm công tác của tôi. Tôi hiểu rất rõ bức tranh "đấu tranh-tránh đâu" của xã hội hiện tại, hiểu rõ những khó khăn, thách thức, rủi ro… không chỉ cho tôi mà còn cho cả gia đình tôi và luôn mặc cảm là có lỗi với gia đình mình- điểm tựa vững chắc của tôi.

Gia đình tôn trọng quyết định của tôi. Quyết định đó đã đến như một lẽ tự nhiên, tiếp nối truyền thống gia đình (ông Bình con liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật - PV).

- Lẽ ra những sai phạm của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, dự án Nhổn-ga Hà Nội đã sớm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời nếu như phản ánh, khiếu nại của ông được giải quyết thấu đáo ?

* Đúng là như vậy. Thậm chí không cần nhiều đến như vậy. Chỉ cần người có thẩm quyền ở Hà Nội không "im lặng" thì có thể đã không có tình trạng như ngày hôm nay tại Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Xin được chia sẻ thêm tại sao tôi lại đề cập tới khái niệm "im lặng" và "không im lặng". Thực tế 6 năm qua cho thấy khó khăn lớn nhất của người kiến nghị, tố cáo không phải là việc chỉ ra cái sai hay việc thực hiện khiếu nại theo đúng trình tự của pháp luật… mà là sự "im lặng", sự "im lặng" của người có thẩm quyền và đặc biệt là sự "im lặng" của những người tốt xung quanh ta. Xưng người tốt chẳng dám dấn thân, sợ liên lụy tránh xa sự thật.

Người tố cáo sai phạm đường sắt: Tôi hiểu rất rõ việc đấu tranh-tránh đâu - 2

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tư vấn thực hiện là Công ty Systra (Pháp). Quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ).

Tiếp tục kiến nghị phục vụ việc thực hiện kết luận thanh tra

- Ông có cho rằng việc mình không được tái bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xuất phát từ việc ông khiếu nại, tố cáo?

* Lý do Thành ủy, UBND TP Hà Nội không bổ nhiệm lại cho tôi vẫn luôn là một câu hỏi mà tôi đã nỗ lực tìm kiếm trong suốt những năm qua nhưng không được Hà Nội trả lời, vẫn luôn là sự im lặng. Quyết định không bổ nhiệm lại về bản chất như một quyết định kỷ luật, cách chức.

Ngay sau cuộc họp quyết định không bổ nhiệm cho tôi, một người bạn - người em của tôi ở UBND TP Hà Nội đã thông tin ngay cho tôi biết: Tôi không được bổ nhiệm lại vì lý do "gây mất đoàn kết nội bộ"

Tôi chấp hành quyết định của TP Hà Nội; đồng thời cũng nhiều lần gửi đơn khiếu nại, kêu cứu, tố cáo việc trù dập người đấu tranh chống tham nhũng, kèm theo đầy đủ hồ sơ tài liệu để có thể chứng minh khách quan. Nhưng những kiến nghị, tố cáo không được giải quyết, rơi vào im lặng cho đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

- Nếu Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai đối với ông theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ thì ông có chấp thuận?. Điều ông mong mỏi sắp tới là gì?

* Tôi đọc trên báo thấy Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói rằng "các sai phạm ông Bình tố cáo thuộc về giai đoạn trước đây, tuy nhiên với cương vị là Trưởng ban hiện tại, việc tôi đưa ra lời xin lỗi cũng là phù hợp và coi đây là bài học để rút kinh nghiệm". Điều đó cho thấy ông ấy chưa "thấu triệt" văn bản của Thanh tra Chính phủ, chưa ý thức đầy đủ, trung thực… về mức độ vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước từ các quyết định trù dập, kỷ luật, loại bỏ người tố cáo, do chính ông ấy ban hành trong suốt thời gian qua.

Dẫu vậy nếu ông ấy tổ chức xin lỗi, tôi sẽ nhận lời xin lỗi, bởi lẽ: "Mở lòng Nhân sinh ra vạn Phúc".

Nhưng cần xác định rằng việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc trù dập người tố cáo và việc xin lỗi, chấp nhận lời xin lỗi là 2 việc khác nhau.

Trong thời gian tới đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét khách quan dấu hiệu trù dập người tố cáo và đối xử công bằng với người tố cáo - thân nhân liệt sỹ, theo đúng quy định của pháp luật.

Người tố cáo sai phạm đường sắt: Tôi hiểu rất rõ việc đấu tranh-tránh đâu - 3

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro (vốn ODA gần 958 triệu Euro, vốn đối ứng trong nước trên 218 triệu Euro), gồm nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp AFD, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Châu Âu (EIB) và Ngân sách thành phố Hà Nội. Ảnh: Toàn Vũ

- Theo ông, kết luận thanh tra đã làm rõ hết tất cả những sai phạm, góc khuất tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội?. Còn vấn đề nào ông sẽ tiếp tục đề nghị thanh tra làm rõ không?

* Theo tôi, không có một kết luận thanh tra nào là hoàn hảo. Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa qua cũng không phải là ngoại lệ. Tại buổi công bố thông báo kết luận thanh tra ở UBND TP Hà Nội, với trách nhiệm của người tố cáo, tôi đã thẳng thắn đưa ra ý kiến phản biện.

Hiện tôi đang chuẩn bị một báo cáo tổng hơp để báo cáo, kiến nghị với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phục vụ cho việc thực hiện kết luận thanh tra. Mục đích cuối cùng vẫn là sự thượng tôn pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà nước, bảo vệ tiền thuế của nhân dân.

- Xin cám ơn ông !

"Tôi rất biết ơn vợ tôi"

-Vợ con, gia đình ông có gặp nhiều áp lực khi ông kiên trì khiếu nại, tố cáo sự việc suốt 6 năm qua?

+ Áp lực ư? Còn hơn là áp lực ấy chứ, nhất là đối với người vợ. Điều này khó có thể diễn giải bằng lời. Nó giải thích vì sao rất ít người dám lựa chọn con đường "đấu tranh".

Tổ ấm gia đình, danh dự gia đình, sự thành đạt của chồng-con là quan trọng nhất với một người phụ nữ, người vợ. Nó có thể lung lay, đổ vỡ bất cứ lúc nào bởi việc lựa chọn đấu tranh chống tham nhũng của mình. Chợt nhớ rằng, đã mấy khi mình nói lời cám ơn với vợ. Tôi rất biết ơn vợ tôi.