Loạt chính sách đặc thù Hà Nội và TPHCM được hưởng khi xây đường sắt đô thị
(Dân trí) - UBND thành phố được đề xuất quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần; gia hạn thời gian thực hiện mà không phải điều chỉnh dự án; chỉ định thầu gói thầu tư vấn, xây lắp, nhà đầu tư…
Đó là những chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM, được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM, cũng được Ủy ban Kinh tế họp thẩm tra sáng 10/2.
Những năm qua tiến độ xây dựng hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM rất chậm. Ở Hà Nội, từ năm 2007 đến nay mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đưa vào vận hành.
![Loạt chính sách đặc thù Hà Nội và TPHCM được hưởng khi xây đường sắt đô thị - 1 Loạt chính sách đặc thù Hà Nội và TPHCM được hưởng khi xây đường sắt đô thị - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/_sitJ4c7yvdv57gY3CMhFdhCN5k=/thumb_w/1020/2025/02/10/uy-ban-kinh-te-1739160897509.jpg)
Ủy ban Kinh tế họp thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM (Ảnh: Hồng Phong).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nếu tiến độ vẫn như những năm qua sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nên rất cần chính sách đặc thù để rút ngắn quy trình thủ tục thực hiện.
Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trình đề cập 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt cho việc triển khai xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, với nhóm chính sách về huy động nguồn vốn quy định, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án.
Trong nhóm chính sách về trình tự, thủ tục quy định, Chính phủ đề xuất dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư.
UBND thành phố được đề xuất quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định gia hạn thời gian thực hiện khi tổng mức đầu tư không tăng mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư…
Nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất. UBND thành phố được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD…
Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất các nhóm chính sách đặc thù về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải và nhóm quy định áp dụng riêng cho TPHCM.
![Loạt chính sách đặc thù Hà Nội và TPHCM được hưởng khi xây đường sắt đô thị - 2 Loạt chính sách đặc thù Hà Nội và TPHCM được hưởng khi xây đường sắt đô thị - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/-FIPhm7WYRBxsLbiSmNv2eG8aNo=/thumb_w/1020/2025/02/10/nguyen-danh-huy-1739160897467.jpg)
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: Hồng Phong).
Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Góp ý thêm về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết ông phân vân khi giao UBND thành phố được quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn xây lắp và nhà đầu tư…
Lý giải rõ hơn, ông Hạ cho rằng các công trình đường sắt đô thị không chỉ phục vụ giao thông mà còn là dấu ấn du lịch, văn hóa, nhất là với Hà Nội, kiến trúc rất quan trọng nên không thể xem nhẹ vấn đề này.
Với lo ngại chỉ định thầu dễ nảy sinh tiêu cực và đi ngược với xu thế chung, ông Hạ cho rằng nên khuyến khích đấu thầu, chỉ chỉ định thầu trong trường hợp cấp thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo quan tâm những vấn đề đại biểu nêu để mạng lưới đường sắt đô thị khi hoàn thành có thể khai thác đồng bộ, hiệu quả với mạng lưới giao thông công cộng nói chung.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đường sắt đô thị không chỉ phục vụ cho hai thành phố nên ngân sách Trung ương cũng cần hỗ trợ.
Liên quan đến kinh phí, theo Bộ GTVT, với tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM, kinh phí dự kiến khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho hai thành phố khoảng 424.850 tỷ đồng, ngân sách thành phố Hà Nội cân đối bố trí khoảng hơn 1,1 triệu tỷ đồng và ngân sách TPHCM cân đối bố trí khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.