1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lo bạc mái đầu, mà lòng thấy yên đâu...

Chú Sáu Dân đã ra đi, song hẳn trong lòng chú vẫn còn nặng nợ với đồng bào, với những lo toan cho con cháu muôn đời sau…

Tôi hết sức bàng hoàng khi nghe tin chú Sáu Dân đã ra đi. Cách nay chưa đầy một tháng, tôi còn gặp ông. Trò chuyện, tôi thấy tư duy ông vẫn sắc sảo. Vậy mà...

 

Tôi biết chú Sáu Dân đã lâu, nhưng quen thì phải kể từ ngày quân tình nguyện ta rút khỏi Campuchia đợt đầu. Hôm đó, chúng tôi đang ở phi trường Tân Sơn Nhất thì ông đến. Chúng tôi đứng nghiêm chào vị Bí thư Thành ủy TPHCM. Sau khi bắt tay khắp lượt các sĩ quan không quân, đến lượt tôi, ông mỉm cười, hỏi: “Còn viết không?”. Tôi ngỡ ngàng, thưa: “Dạ, vẫn đều đều, vẫn chuyện chiến đấu của không quân”. Ông hỏi tiếp: “Cậu đã chán đề tài của cậu chưa?”. Tôi thành thật: “Không ạ, tôi viết để nhớ”. Ông vỗ vai tôi: “Đúng, cần phải viết về quá khứ. Quá khứ của chúng ta tuyệt lắm, không phải ai cũng có...”.

 

Rồi ông lên máy bay trực thăng cùng với thiếu tướng Trần Văn Danh (Ba Trần). Sau này tôi mới biết đó là chuyến đi khảo sát để làm thủy điện Trị An. Khi ấy, tôi càng hiểu hơn, Võ Văn Kiệt là người đề cao quá khứ oai hùng của dân tộc - ông không lúc nào quên những danh nhân, trí thức, những chiến sĩ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc... - song cũng luôn hướng đến tương lai, hành động cho dân giàu nước mạnh.

 

Năm 1999, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho gọi những nhà văn có thể viết về những nhân vật đặc biệt của Nam Bộ. Ông gợi ý: “Trong lớp người xả thân cho Tổ quốc lúc cực kỳ khó khăn của Nam Bộ ở thời kỳ đầu kháng chiến, có một tầng lớp rất đặc biệt. Đó là những ông đốc phủ, tri phủ, những nhà đại điền chủ, quan lại; những kỹ sư, luật sư, bác sĩ được đào tạo ở Pháp... Vị trí của họ có ảnh hưởng rất lớn đến vận động quần chúng và uy tín lớn của cách mạng”.

 

Tôi nhận viết về cụ Cao Triều Phát. Khi tiểu thuyết Huyền thoại đất phương Nam hoàn thành, tôi mang bản thảo đến xin ý kiến Thủ tướng... Thật vô cùng bất ngờ cho một nhà văn “trẻ” như tôi: Chú Sáu Dân hết sức trân trọng, khen ngợi và hứa đọc. Một nhà văn mới mà đã có người nhận đọc và cho ý kiến về tác phẩm còn ở dạng bản thảo, nhất là khi người đó lại là chú Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thì thật sung sướng, tự hào quá sức mong đợi!

 

Hai tuần sau, tôi nhận được điện từ Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng gọi tôi đến nhà riêng. Ông đánh dấu và chỉ dẫn hết sức tận tình những khiếm khuyết về ngôn ngữ Nam Bộ, các sự kiện, tình tiết trong tác phẩm, làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử thời kỳ đầu kháng chiến ở Nam Bộ...

 

Một điều bất ngờ nữa, khi chú Sáu Dân đưa cho tôi lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết do chính tay ông viết: “Cao Triều Phát là một hiện tượng hiếm có. Ông vừa là đại điền chủ vừa là một trí thức lớn, một lãnh tụ tôn giáo có hàng trăm ngàn tín đồ. Tôi nghe tiếng ông Cao Triều Phát từ khi còn là một cậu bé theo cha gặt lúa mướn ở Bạc Liêu... Có thể nói họ Cao có công rất lớn trong khai phá vùng đất Bạc Liêu... Viết những tác phẩm tôn vinh những nhân vật có vị trí đặc biệt trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một việc đáng được hoan nghênh, đáng được trân trọng...”.

 

Tôi còn gặp chú Sáu Dân nhiều lần. Điều ấn tượng nhất để lại trong tôi là ông không hề quan cách, ông bình dị, chân chất như một lão nông. Tôi đã gặp hàng trăm ông già Nam Bộ, và chú Sáu Dân là một ông già Nam Bộ thứ thiệt. Giờ đây, nhớ những lần gặp chú Sáu Dân, trong tôi trào lên một tình cảm: Ông như bậc cha chú, ông là bậc thánh hiền, hết lòng lo cho dân cho nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm...

 

Chú Sáu Dân đã ra đi, song hẳn trong lòng chú vẫn còn nặng nợ với đồng bào, với những lo toan cho con cháu muôn đời sau. Nói như Nguyễn Minh Nhị:

 

Lo cứ là lo bạc mái đầu

Mà lòng nào có thấy yên đâu

...Lồng lộng bóng soi miền sông nước

Đời nặng ân tình, đất nặng chân

 

Thương quá, chú Sáu ơi!

 

Lê Thành Chơn

(Theo Người Lao Động)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm