1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”

(Dân trí) - Khi linh cữu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang được đưa ra xe tang, ông Nguyễn Nhật Tân, Nguyên thứ trưởng bộ Lương thực, run run giọng cho hay: “Đang ở Đồng Tháp thì nghe tin anh Sáu mất, dù đang bệnh, tôi cũng cố đến tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”.

Là cộng sự với đồng chí Võ Văn Kiệt trong những ngày trăn trở tìm phương cách đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu ăn, ông Tân cho rằng: “Anh Sáu là người quả cảm và sáng tạo trong những quyết sách. Nhờ sự quả cảm ấy mà anh đã làm thay đổi tình hình khó khăn về lương thực của đất nước thời điểm đó, biến Việt Nam từ một nước thiếu đói thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới”.

Ông Lê Minh Châu - nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM, một người đã trưởng thành từ phong trào học sinh sinh viên thời chống Mỹ nay đã đến cái tuổi thất thập cổ lai hy, chia sẻ: “Hôm nay tôi đến đây với tấm lòng thương nhớ anh Sáu, một người thầy, một người đồng chí, một người anh lớn đã có công gây dựng tổ chức HSSV đấu tranh công khai trong lòng địch”.

Còn bà Huỳnh Hoa, một Việt kiều Mỹ đã kiên nhẫn xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ để vào đưa tiễn bác Sáu Dân. Thế nhưng, do hội trường quá chật hẹp, bà đành đứng ngoài tiền sảnh hội trường để xem truyền hình trực tiếp. Bà tâm sự: “Nhờ bác Kiệt đổi mới sáng tạo mà những người Việt kiều chúng tôi có cơ hội trở về quê hương, đóng góp xây dựng quê hương và gặp gỡ người thân ở quê nhà. Cho nên hôm nay tôi đến tiễn đưa Bác như một sự tri ân và cảm phục”.

Và hàng trăm người khác cũng như bà Hoa, không vào được bên trong hội trường đứng xem trực tiếp ở tiền sảnh. Khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc điếu văn, nhiều người đã khóc, tiếc thương cho một vị lãnh đạo gần gũi với nhân dân đã qua đời.

Và còn hàng vạn con người không vào được bên trong khuôn viên hội trường Thống Nhất đành tụ tập trước cổng hội trường. Con đường Lê Duẩn, Pasteur và cả công viên 30/4 trước hội trường Thống Nhất hàng ngày đã chật nhưng trong buổi tiễn đưa chú Sáu thì mỗi phút, mỗi giờ lại chật hơn.

Có người đến từ sáng sớm, có người tình cờ đi qua cũng đứng lại để một lần được cúi đầu chào tiễn biệt ông, người Cộng sản trung kiên của đất nước, người hết lòng vì nhân dân, cùng nhân dân chia ngọt sẻ bùi…

Dòng người đổ về ngày càng đông, mắt chăm chăm hướng về hội trường Thống Nhất không rời, như sợ bỏ lỡ hình ảnh xe tang đi qua, như sợ bỏ lỡ giây phút tiễn biệt cuối cùng. Dòng người đông đúc nhưng trầm lắng, buồn bã. Ai cũng im lặng và cố tìm cho mình một chỗ đứng tốt nhất để nhìn rõ đoàn xe nghi lễ chở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi qua.

Mặc trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại nhưng không một ai chịu rời khỏi vị trí đã chọn. Mọi người kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ để tiễn đưa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhiều ông cụ trong bộ áo sơ mi trắng, quần tây chỉnh tề; các bà lão tuổi ngoài 70, da nhăn nheo, móm mém vì tuổi tác cũng mang áo bà ba xuống phố tiễn đưa cố Thủ tướng.

Có rất nhiều người mang toàn bộ đồ đen, có người đưa cả gia đình đi, có người thì cứ chắp tay lạy và rồi như bao cuộc tiễn đưa khác, trong buổi tiễn đưa chú Sáu về nơi vĩnh hằng có rất nhiều nước mắt, có sự hụt hẫng như mất đi chính người thương yêu nhất của mình.

Là một cựu thanh niên xung phong năm 1976, ông Kiệt (57 tuổi, ngụ tại quân 1) cho biết: “Dù không phải người thân của ông, nhưng khi nghe tin ông mất, tôi thấy như bản thân mất mát một điều gì lớn lao lắm”. Có lẽ là mất mát một tấm gương cao đẹp, một chiếc bóng ấm áp chở che. 

Sau giải phóng, nhiều thanh niên như ông Kiệt không biết làm gì với lý lịch thân Ngụy, nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phá vỡ thế bế tắc ấy trong hàng triệu thanh niên bằng câu nói: “Không ai chọn cửa mà sinh ra” và phong trào thanh niên xung phong rầm rộ đầu năm 1976. Sau khi tham gia phòng trào ấy, hàng triệu thanh niên ngày xưa mang tâm lý bế tắc đã được giải tỏa, vì họ có thể tự hào là mình vừa tham gia lao động công ích, xây dựng Xã hội chủ nghĩa.
Kết thúc cuộc trò truyện với PV Dân trí, ông Nguyễn Nhật Tân khẳng định: “Với tôi, anh Sáu là một nhân vật kiệt xuất, là 1 vĩ nhân”.

Còn với đông đảo đồng bào miền Nam đến tham dự lễ tiễn đưa hôm nay, ông là một người anh hùng, người anh hùng của đất nước, của dân tộc, của vùng đất phương Nam hào sảng, ân tình. Và hôm nay, hàng vạn người con phương Nam đã đến để tiễn đưa người anh hùng phương Nam về với đất mẹ.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 1

 

Vượt hàng trăm cây số, người dân đứng kín đường chờ đón đoàn xe tang.

 

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 2

Một phút mặc niệm của người trẻ.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 3

Nỗi tiếc thương của người già.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 4

Và nước mắt trong phút mặc niệm.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 5

Nhiều người không vào được hội trường đành đứng “làm lễ” ở tiền sảnh qua màn hình trực tiếp.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 6

Chuẩn bị xe để tiếp nhận linh cữu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 7

Các đồng chí lãnh đạo tiễn đưa lần cuối người đồng chí của mình.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 8

Xe tang xuất phát hướng về Nghĩa trang Thành phố.

“Tiễn đưa anh Sáu về với cụ Hồ”  - 9

Và những vòng hoa thương tiếc theo sau.

Tùng Nguyên - Nguyên Tuấn - Đoàn Quý