Ngậm ngùi tiễn biệt nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
(Dân trí) - Ngày 15/6, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã có mặt đông đủ tại Hội trường Thống nhất (TPHCM) để làm lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Đúng 9h5 sáng 15/6, sau Lễ chào cờ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tiến lên lễ đài đọc điếu văn tiễn biệt vong linh người anh hùng phương Nam, người anh hùng của dân tộc, người chiến sĩ cách mạng kiên trung và là ông Thủ tướng của thời kỳ đổi mới.
Điếu văn viết: “Thưa đồng bào đồng chí và gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt
Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa 6, 8 và khóa 9.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa và gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đồng chí đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, hưởng thọ 86 tuổi.
Tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy Ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt theo nghi thức Quốc tang với lòng tiếc thương vô hạn người đồng chí, người đồng đội, người bạn, người thân đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong mấy ngày qua, hàng ngàn nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, bạn bè thân quyến gần xa, các đoàn đại biểu trong nước và nước ngoài đã đến viếng đồng chí Võ Văn Kiệt và chia buồn cùng gia đình.
Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta tập trung tại đây để đưa tiễn đồng chí về nơi an nghĩ cuối cùng. Thay mặt Ban tổ chức Lễ tang tôi tuyên bố lễ Truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt bắt đầu”.
| |
Lãnh đạo Đảng trong lễ truy điệu. |
Sau bài điếu văn của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, toàn thể đại biểu có mặt tại hội trường nghiêng mình tưởng nhớ đến vị lãnh đạo Chính phủ đáng kính một thời trong phút mặc niệm thiêng liêng.
Bên ngoài hội trường, dọc con đường Lê Duẩn đối diện Hội trường Thống Nhất, người dân TP và từ các vùng quê đứng chen chúc chật kín.
Dù không thấy được gì đang diễn ra bên trong Hội trường, nhưng mọi người vẫn hướng mắt vào phía Hội trường Thống Nhất, dinh Độc Lập năm xưa, thành trì cuối cùng mà quân giải phóng miền Nam phải đạp đổ để thống nhất đất nước. Nay nó là nơi mà một trong những vị lãnh đạo quân giải phóng năm xưa an nghỉ và chờ đợi những người đồng chí, đồng bào mình đến tiễn biệt lần cuối.
Bác Trần Văn Khánh (đã hơn 80 tuổi), nguyên cán bộ Ban chính trị Trung đoàn 105&120, và vợ là cụ bà Nguyễn Thị Anh Minh, nguyên cán bộ Ban quân báo Khu 8, đến từ sáng sớm để chờ đoàn xe tang ở ngay công viên 30/4. Bác Khánh cho biết: “Vợ chồng tui đang ốm, trong người mệt lắm nên không thể vào chờ để viếng ông Kiệt, đành nhờ thằng con chở đến đây từ sáng sớm để tiễn đưa ông ấy vậy. Coi như là một chút lòng với người đồng chí hướng, một lãnh đạo xuất sắc của đất nước”.
Bác Anh Minh thì nghẹn ngào không nói nên lời, đôi mắt rưng rưng ngấn nước. Khi bên trong hội trường xướng lên điếu văn của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, bác nức nở khóc.
Còn anh Vinh, một phật tử ở Chợ Lớn cho biết: “Tôi chỉ được gặp bác Kiệt 1 lần duy nhất, đó là chừng 1 năm trước. Lúc ấy tôi vinh hạnh được cùng ông ấy trồng cây bồ đề trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam. Lúc ấy trông ông thật khỏe mạnh và giản dị. Tôi vẫn còn ấn tượng đến bây giờ”. Và vì ấn tượng ấy, anh đã lặn lội đạp xe đạp từ Chợ Lớn đến đây dự lễ tiễn đưa Bác. Mới 6h sáng anh đã đến nơi đây.
Bà con còn đứng lan sang các con đường Pasteur, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Nhà thờ Đức Bà, công viên 30/4 trước hội trường Thống nhất thì chật kín với hàng ngàn người… để chờ linh cữu cố Thủ tướng đi ra. Nghe tin từ báo đài, truyền hình, nhiều đồng bào TP đứng thành từng tốp chờ hai bên đường Xa lộ Hà Nội, con đường dẫn ra Nghĩa trang TP để chờ đoàn xe tang đi qua. Gương mặt mọi người đều mang vẻ buồn man mác, thương tiếc cho một trí tuệ lớn của đất nước đã ra đi.
Anh Hồ Văn Cương, ngụ tại đường Trần Não (Q2), cho biết: “Nghe báo đưa tin là sẽ đưa về Nghĩa trang TP an táng nên chắc chắn phải đi qua cầu Sài Gòn cho nên tôi và vài người bạn ra đây chờ đoàn xe tang đi qua đưa tiễn ông ấy. Tôi chưa từng gặp ông ngoài đời, nhưng với những gì tôi biết về ông qua sách báo thì rất đáng để chúng tôi khâm phục và tri ân”.
4 hôm nay, trời Sài Gòn mưa gió suốt ngày. Hôm qua, trời hãy còn mưa tầm tã, gió lốc nhiều, hai hàng rào chắn thi công công trình trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) còn bị gió thổi ngã. Không biết sao hôm nay trời trong, nắng đẹp quá!
Đúng 10h, linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt được đoàn cảnh binh đưa ra xe tang, hướng về phía Nghĩa trang Thành phố, nơi lưu giữ thi hài hàng ngàn người con của đất phương Nam đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc, vì ấm no và hạnh phúc của dân tộc.
Vĩnh biệt ông, một trái tim lớn của đất nước!
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân; sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm - Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1938. Đến năm 1939, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, ông trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa ở tỉnh Rạch Giá. Sau đó nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền cách mạng miền Nam, chiến đấu thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, rồi Bí thư Thành ủy. Sau đó ông được rút ra Trung ương và đến tháng 8/1991, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Từ đó cho đến năm 1997, ông liên tục nắm giữ cương vị lãnh đạo Chính phủ, dẫn dắt đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Ông là một trong những lãnh đạo đã đưa đất nước ra khỏi bãi cạn của cơ chế bao cấp, một trong những người tiên phong đổi mới. Với ông, “đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ, mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.
Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang trong hai ngày: 14 và 15/6/2008. |
Tùng Nguyên - Đoàn Quý - Nguyên Tuấn