Lãnh đạo TP Thủ Đức: Không có chuyện nắn cong Vành đai 2 né nhà quan chức
(Dân trí) - Trước dư luận cho rằng Vành đai 2 đoạn cầu Phú Hữu - Võ Nguyên Giáp "cong mềm mại", nhà chức trách TP Thủ Đức (TPHCM) khẳng định đường cong vì các điểm khống chế, không phải vì né nhà quan chức.
Ngày 28/11, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, tái định cư khi giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 2, đoạn cầu Phú Hữu - Võ Nguyên Giáp.
Đây là quy trình đảm bảo tính dân chủ, minh bạch trong việc thu hồi đất, được nêu rõ trong Luật Đất đai 2024 (30 ngày sau khi niêm yết phương án bồi thường tái định cư, phải họp dân lấy ý kiến).
Thắc mắc về đường cong
Phát biểu tại hội nghị, một chủ hộ 70 tuổi có hơn 4.000m2 đất tại đường Tăng Nhơn Phú cho rằng, tuyến đường bị thiết kế "cong mềm mại" để tránh một cơ sở công quyền trên địa bàn.
"Nếu đường được làm thẳng thì không bao giờ vào đất của nhà tôi, cũng không để nhiều người dân ở đây phải khúc mắc", người đàn ông này chia sẻ.
Trước đó, vấn đề "đường cong" của dự án được người dân thắc mắc và là một nội dung mà Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức phải chuẩn bị câu trả lời trước khi diễn ra hội nghị.
Phản hồi ý kiến của người dân, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết khẳng định, tuyến đường được làm vì sự phát triển chung của TP Thủ Đức, chứ không vì bất kỳ chủ đầu tư hay cá nhân nào.
"Chúng ta làm đường vì lợi ích công cộng. Không vì một nhà đầu tư, một dự án hay một cá nhân, quan chức nào để thiết kế đường thẳng thành cong. Chúng tôi khẳng định với bà con như vậy", ông Quyết nói.
Tại hội nghị, Tư vấn thiết kế dự án xác nhận trên tuyến có 4 đoạn cong, nhưng đoạn cong này đều có bán kính cong lớn, đảm bảo phương tiện lưu thông với tốc độ thiết kế 80km/h.
Đoạn cong thứ nhất ở đầu tuyến (nối với cầu Phú Hữu) có bán kính cong 500m. Đoạn cong thứ 2 có bán kính 2.000m, đoạn cong thứ 3 có bán kính 1.000m và đoạn cong thứ 4 là 2.000m.
"Như vậy, các bán kính cong đều lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn thiết kế", đại diện Tư vấn khẳng định.
Theo đơn vị tư vấn, dự án sẽ trải qua các điểm khống chế về mặt kỹ thuật. Điểm khống chế thứ nhất là vị trí từ đầu cầu Phú Hữu qua Khu Công nghệ cao TPHCM. Điểm khống chế thứ 2 nằm ở cuối tuyến, vị trí nút giao với đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội).
Vị trí nút giao với đường Võ Nguyên Giáp đã được các kiến trúc sư của thành phố xác định từ năm 2000. Khi thi công cầu cạn Metro số 1, nhịp dầm bắc qua nút giao cũng được thiết kế rộng hơn để chờ vành đai 2 xuyên qua.
Ngoài ra, tư vấn khi xác định hướng tuyến cũng ưu tiên đi qua khu thưa dân cư, giảm thiểu giải phóng mặt bằng, tránh trường học, bệnh viện, di tích lịch sử văn hóa. Từ năm 2004, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã thống nhất hướng tuyến của Vành đai 2 như hiện nay.
Theo vị này, hướng tuyến Vành đai 2 qua địa bàn đã được cập nhật vào các đồ án quy hoạch có liên quan, đồng bộ với quy hoạch chung phát triển GTVT TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2013. Hướng tuyến được thống nhất và quản lý xuyên suốt trong 20 năm qua.
Dọc hướng tuyến hiện có 8 đồ án quy hoạch, gồm cả quy hoạch Khu Công nghệ cao TPHCM. Tư vấn đã rà soát và xác định hướng tuyến dự án khớp với ranh quy hoạch của các đồ án.
Tâm tư giá đền bù
Trong phần lấy ý kiến người dân, hội nghị đã đón nhận 32 ý kiến phát biểu trực tiếp. Trong đó, băn khoăn chủ yếu của người dân là đơn giá đền bù được xác định rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Nhiều hộ được báo giá đền bù 30-40 triệu đồng/m2, cho rằng giá thị trường trên địa bàn cao hơn nhiều.
Để thuyết phục nhà chức trách, một số người dân đã tìm kiếm, sưu tầm các hợp đồng mua bán đất trong khu vực (có thẩm định của ngân hàng hoặc tòa án) để đưa ra đề xuất báo giá đền bù là 79 triệu đồng/m2 (cao hơn nhiều so với giá mà Ban đền bù đề xuất).
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nêu khó khăn khi sinh sống lâu năm trên đất nông nghiệp, chưa thể chuyển đổi sang đất ở (một phần do quy hoạch treo). Khi kiểm đếm đền bù, các diện tích đất này chỉ được tính theo đơn giá đất nông nghiệp là 8 triệu đồng/m2. Với số tiền được đền bù ít ỏi, nhiều gia đình không thể mua được nơi ở thay thế.
Về nơi tái định cư, hầu hết ý kiến phàn nàn nơi tái định cư xa chỗ ở cũ, gây khó khăn trong việc đi lại; giá suất tái định cư cũng cao so với giá đền bù đất, khiến việc cầm tiền đền bù đi mua suất tái định cư trở nên gian nan. Người dân yêu cầu nhà chức trách phải cam kết đảm bảo giấy tờ sổ đỏ sau khi bàn giao đất tái định cư.
Trả lời người dân, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, việc sử dụng bất kỳ đồng ngân sách nào đều phải đúng quy trình để sau này các cơ quan thanh tra, kiểm tra sẽ vào kiểm tra. "Chúng tôi đã cố gắng linh hoạt tối đa. Không tiếc rẻ với bà con, nhưng phải đúng quy định", ông Quyết khẳng định.
Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ tiếp thu, điều chỉnh phương án dựa trên một số kiến nghị của người dân, đơn cử như các kiến nghị về việc định giá lại đất theo mặt đường lớn, ngõ hẻm... Một số vị trí trong hẻm sâu, giá thấp, thành phố sẽ yêu cầu đơn vị tư vấn đi khảo sát lại, tìm cơ sở để nâng giá cho người dân.
"Về vấn đề đền bù đất nông nghiệp, chúng tôi cũng đang cố gắng xin ý kiến của TPHCM để có phương án hỗ trợ cao nhất cho bà con. Bà con kiến nghị đất nông nghiệp xen cài được bồi thường như đất ở, cấn trừ nghĩa vụ tài chính, chúng tôi đã đề xuất, nhưng chưa được cho phép", ông Quyết nói.
Với trường hợp người dân khó khăn, không thể xây nhà khang trang trên đất tái định cư, chúng tôi sẽ tổng hợp và có giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên chỉ hỗ trợ chính chủ.
Lãnh đạo TP Thủ Đức khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến của người dân, xem xét điều chỉnh lại một số nội dung trong phương án bồi thường tái định cư để cho ra phương án cuối cùng.