1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lãnh đạo TP Hà Nội không đồng ý bán biệt thự cho ông Nghiên

"Về phía lãnh đạo thành phố, tôi khẳng định rằng, nếu được báo cáo việc bán biệt thự này nhất định sẽ yêu cầu dừng lại. Hiện nay chủ trương của nhà nước không cho phép bán biệt thự cho cán bộ", Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trả lời về đề nghị bán biệt thự cho cựu chủ tịch Hoàng Văn Nghiên.

Vừa rồi tại Hà Nội, có thể vì thông thoáng trong cải cách hành chính mà Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất đã đề nghị bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên, dù biết rằng biệt thự đó không nằm trong diện được bán theo Nghị định 61. Ông nghĩ gì về việc này?

Việc này, nguyên nhân không bắt nguồn từ sự thông thoáng của cơ chế. Lãnh đạo thành phố sẽ có ý kiến chính thức về việc này trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, tôi thấy ngoài nguyên nhân chủ quan cũng có nguyên nhân do những quy định hiện hành về nhà ở, đất ở cho cán bộ chưa đủ cụ thể, rõ ràng. Mỗi thời kỳ, mỗi đối tượng lại vận dụng, giải quyết một khác. Từ đó, có trường hợp người thực hiện giải quyết chính sách cũng như người được giải quyết đều muốn vận dụng theo phương án có lợi nhất.

Chiều 2/10, Thường trực Thành ủy đã họp bàn về vấn đề này. kết quả ra sao, thưa ông?

Đúng là chúng tôi vừa họp để nghe báo cáo về việc này. Nhưng để có quyết định cuối cùng, chúng tôi giao lại cho cơ quan tham mưu rà soát lại tất cả các chế độ chính sách hiện hành của thành phố Hà Nội và của trung ương để xem cần phải giải quyết như thế nào cho đúng.

Nói tóm lại, tới đây thành phố sẽ phải giải quyết đối với biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và nhà số 52 Tuệ Tĩnh theo đúng chế độ, chính sách hiện hành. Người nào được chế độ như thế nào thì được hưởng đúng như thế. Công ra công, tư ra tư. Chúng ta quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của mọi người, nhưng phải dựa trên cơ sở chế độ, chính sách của Nhà nước, chứ tuyệt đối không thể tùy tiện.

Thưa ông, việc các đơn vị tham mưu lại đưa ra các “đề nghị xem xét” bán nhà lạ lùng thì sẽ phải được xử lý ra sao?

Có thể những công văn trao đổi vừa qua là do trình độ, năng lực, vận dụng chế độ chính sách yếu kém. Cũng có thể là do anh em nể nang, các cơ quan tham mưu không dám nói rõ chính kiến của mình.

Vậy quan điểm xử lý số cán bộ này ra sao, thưa ông?

Vừa qua mới chỉ là đề nghị thì phải chấn chỉnh, nhắc nhở và yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm, trình độ trong công tác tham mưu. Nếu thấy việc khó, vượt quá thẩm quyền thì lẽ ra phải báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo. Còn nếu họ đã tự tiện giải quyết sai thì phải xử lý kỷ luật và phải sửa lại quyết định. Vừa rồi, dường như họ mới đang thăm dò phản ứng của lãnh đạo thành phố. Đây là ý kiến đề xuất bất lợi cả cho người được quan tâm đề xuất.

Tuy nhiên, nếu như vụ việc không được các cơ quan ngôn luận lên tiếng kịp thời thì chắc chắn việc mua bán đã trót lọt?

Nếu như báo chí không nêu lên thì có hai khả năng xảy ra. Một là, họ thực hiện sai, đặt mọi người trước sự việc đã rồi. Thứ hai là nếu lãnh đạo biết thì chúng tôi nhất định sẽ cho dừng lại.

Về phía lãnh đạo thành phố, tôi khẳng định rằng, nếu lãnh đạo được báo cáo việc bán biệt thự này thì nhất định sẽ phải yêu cầu dừng lại vì hiện nay chủ trương của Nhà nước không cho phép bán biệt thự cho cán bộ.

Thành ủy trước đây cũng đã nói nhiều đến cải cách hành chính, nhưng chuyển biến trên thực tế chưa đáng kể. Lần này, Hà Nội sẽ tập trung chủ yếu vào công việc gì để thực sự tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính tại Thủ đô?

Lần này thành phố sẽ tập trung vào hai khâu quan trọng. Thứ nhất là rà soát lại các quy định, các thủ tục để xem cái gì rườm rà không cần thiết thì phải bỏ. Thứ hai là phải nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Điều này trên thực tế còn quan trọng hơn cả khâu thứ nhất.

Mếu anh luôn có tư tưởng xin cho, sách nhiễu, luôn nuôi tư tưởng ăn chặn, tham ô, lãng phí thì việc đúng anh cũng không muốn làm, văn bản rõ rồi anh cũng không thực hiện và tìm ra nhiều lý do để trì hoãn, để hành dân. Nhưng nếu có tinh thần phục vụ nhân dân thì dù có khó khăn anh cũng tìm cách tháo gỡ.

Theo Hạnh Ngân
Tiền Phong