1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện dài kỳ thực phẩm bẩn:

Kỳ 3: Rối “tít mù” trách nhiệm an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Trong khi vấn đề an toàn thực phẩm khiến nhiều người phải “rùng mình” thì quả bóng trách nhiệm lại đang được tới 5 Bộ “đá” quẩn quanh. Không ai đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng dù vẫn có Bộ thừa nhận vai trò “nhạc trưởng”…

Bộ trưởng không thể phê bình Bộ trưởng!

Tại diễn đàn Quốc hội, khi đặt vấn đề trách nhiệm đối với chất bảo quản độc hại từ hoa quả nhập ngoại thì lần lượt các Bộ trưởng Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng lên giải đáp, nhưng người nghe vẫn không thông. Riêng Bộ trưởng Y tế phải đứng lên tới 3 lần, cuối cùng cũng đành “bó tay” trước câu hỏi hết sức rõ ràng của đại biểu và phải… khất trả lời bằng văn bản.

Thực tế lúc đó, không phải Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu không phác họa được trách nhiệm của mỗi Bộ. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm về chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Việc chế biến, phẩm màu nào được cho vào, không cho vào công nghệ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công thương. Quy trình từ trang trại đến mâm cơm, Bộ Y tế là người được Nhà nước giao quản lý, quán xuyến.

Tuy nhiên, ứng vào một trường hợp cụ thể thì cả 3 Bộ trưởng đành bối rối nhìn nhau!  
 
Kỳ 3: Rối “tít mù” trách nhiệm an toàn thực phẩm - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Thực tế có đến 5 Bộ có trách nhiệm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là Y tế, Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng không có Bộ nào đứng ra nhận trách nhiệm đến cùng.

Thừa nhận vai trò “nhạc trưởng”, nhưng Bộ trưởng Y tế cũng mong có sự “thông cảm”. Theo người đứng đầu ngành Y tế, vấn đề đặt ra là cơ chế phải rõ ràng giữa các cơ quan thường trực, các cơ quan phối hợp và phải có ban chỉ đạo vì ngành nọ chỉ huy ngành kia rất khó. “Bộ trưởng nọ gọi điện phê bình Bộ trưởng kia thì cũng phải suy nghĩ”, ông Triệu phân trần.

Đề cập đến vấn đề “rất rối” này, đại biểu - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, những quy định của Pháp lệnh An toàn thực phẩm hiện hành không chi tiết, không gắn liền với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực cho nên không làm bật lên được trách nhiệm của từng Bộ, từng địa phương ở trong lĩnh vực như thế nào.

Cũng theo ông Thuyết, vì không có chế tài mạnh đối với những người sản xuất, đối với người kinh doanh, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nên khi để xảy ra những vụ việc ở trong lĩnh vực địa phương nào, vấn đề xử lý thường không đạt được hiệu quả. 

Đề nghị thành lập cơ quan độc lập quản lý chuyên ngành ATTP

Việc cần có một nhạc trưởng tài ba để không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là vấn đề được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật An toàn thực phẩm.

Hiện Dự án Luật An toàn thực phẩm đặt vấn đề Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và phân công cho Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý.

Tuy nhiên, với quan điểm “Bộ trưởng khó nói với Bộ trưởng”, nhiều ý kiến đề nghị thành lập một cơ quan độc lập quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ, ở địa phương thì trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Nguyễn Đình Xuân cho rằng, về lâu dài nên có một cơ quan trực thuộc Chính phủ để có phạm vi hoạt động bao trùm lên tất cả những hoạt động của các Bộ, ngành khác.

Mới đây, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề cập đến việc học theo kinh nghiệm của nước Anh và của Mỹ là có các Ủy ban quốc gia về thực phẩm và thuốc. Ủy ban này hàng tháng đều họp công khai và truyền hình trực tiếp, nhân dân có quyền đến tham dự và có quyền đặt câu hỏi, còn người chủ trì phải đưa ra vấn đề và đưa ra các giải pháp. 

Ông Thuyết cũng đề nghị một phương án khác là giao trách nhiệm chính cho… Bộ Khoa học và công nghệ! Theo lý giải của ông Thuyết, Bộ Y tế quá nhiều việc, quá bận, phải tập trung vào phòng dịch, phòng bệnh rồi khám, chữa bệnh cho nhân dân, không có điều kiện để chăm lo kỹ đến công việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Vậy là trong khi vấn đề trách nhiệm thuộc về ai, phân công như thế nào vẫn đang phải tranh cãi tiếp thì hàng ngày các vụ việc, các sự thật về thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục xảy ra, tiếp tục được phanh phui, mà người tiêu dùng cũng chỉ biết “rùng mình”.

Kim Tân
(còn tiếp)