Chuyện dài kỳ về thực phẩm bẩn:

Quyết “mạnh tay” với vi phạm về an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Phó cục trưởng Cục cảnh sát môi trường (C36), Thượng tá Trần Quốc Tỏ cho biết, nhiệm vụ then chốt của Cục trong năm 2010 là tham mưu để bổ sung, điều chỉnh hành lang pháp lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và môi trường.

Dư luận rất bức xúc trước hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh, an toàn thực phẩm thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về những vi phạm trong lĩnh vực này?

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày gây bức xúc trong nhân dân.

Ví dụ như vụ chế biến và lưu giữ hơn 70 tấn mỡ động vật không đảm bảo vệ sinh do công an TPHCM phát hiện. Vụ vận chuyển 5,5 tấn lòng lợn từ Hà Nội lên Lào Cai tiêu thụ nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc… Trong năm 2009, số vụ việc vi phạm về môi trường tăng gấp 4 lần so với năm 2008. Trong số những vụ việc được phát hiện có 14% liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ không đảm bảo vệ sinh.
 
Quyết “mạnh tay” với vi phạm về an toàn thực phẩm - 1
Ngô được chiên bằng mỡ phế thải. Đến khi nào những hành vi đầu độc giống nòi như thế này bị xử lý hình sự? (Ảnh: Phúc Hưng)

Có ý kiến cho rằng, do chế tài chưa đủ mạnh khiến các vi phạm trong lĩnh vực này vẫn ngày càng phát triển. Đã đến lúc, hành vi vi phạm ATVSTP phải bị xử lý hình sự chứ không dừng lại ở việc xử lý hành chính như lâu nay?

Việc đặt ra vấn đề này là rất đúng. Năm 2010, Cục Cảnh sát môi trường xác định một trong những nhiệm vụ then chốt là làm tốt công tác tham mưu về bổ sung, điều chỉnh hành lang pháp lý đối với một số hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đối với lĩnh vực ATVSTP thì hiện nay rất nhiều bất cập. Có nhiều vụ việc mình phát hiện ra nhưng khi tiến hành xử lý thì còn có phần nhẹ. Ví dụ như vụ việc lực lượng nghiệp vụ của Cục C36 phát hiện vụ trộn bột đá vào kẹo nhưng cuối cùng chỉ xử lý hành chính chứ không thể xử lý hình sự. Một số vụ vận chuyển, chế biến hàng chục tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng chỉ xử lý được hành chính.

Có nhiều vụ việc mình phát hiện ra nhưng khi tiến hành giám định, rà lại nội dung văn bản liên quan thì phát hiện những hạn chế trong hành lang pháp lý.
 
Quyết “mạnh tay” với vi phạm về an toàn thực phẩm - 2
ATVSTP, nỗi ám ảnh của người dân (Ảnh: Cấn Cường)

Có hay không sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý những thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây ô nhiễm thưa ông?

Trong thực tế điều đó diễn ra rất nhiều. Theo đúng quy định, cơ quan công an phát hiện, hoàn tất thủ tục và chuyển cơ quan quản lý nhà nước xử lý tang vật. Tuy nhiên, cơ quan thú y lại không có kinh phí phục vụ việc tiêu hủy. Ngay cả nơi lưu giữ cũng rất khó khăn. Ví dụ ở đây là những vụ thu giữ xe tải gà lậu lên tới hàng chục tấn.

Khi bắt giữ rồi mà không nhanh chóng tiêu hủy thì gà sẽ chết, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm vì thế có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Từ đây, có ý kiến lo ngại rằng sẽ dẫn đến một số hiện tượng tiêu cực trong công tác này.

Mới đây tại miền Trung cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt mẫu ớt bột nhiễm chất độc hại gây ung thư. Cục có phản ứng gì trước thông tin này?

Về việc này, Cục Cảnh sát môi trường đã cử một nhóm trinh sát, phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường tại địa phương tổ chức nắm tình hình, thu thập tài liệu phục vụ cho việc giám định, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Cục cảnh sát môi trường triển khai hoạt động thời gian tới ra sao để làm tốt công tác phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm?

Ngay trong 2 tháng cao điểm trấn áp tội phạm tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết Canh Dần như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng cảnh sát môi trường đưa lĩnh vực an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Cụ thể là tập trung vào lĩnh vực đối tượng vi phạm nhập lậu loại hàng hóa liên quan đến gia súc gia cầm, không rõ nguồn gốc và không qua kiểm dịch.

Công tác kiểm tra cũng hướng đến các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn không đảm bảo về an toàn; đồ uống rượu bia, nước giải khát vi phạm về nhãn mác, hạn sử dụng, chất lượng sản phẩm...
 
Xin cảm ơn ông.
 

Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng văn phòng Trí Việt: Chế tài rõ ràng nhưng cơ chế chưa đồng bộ

 

Quy định pháp luật trong lĩnh vực đảm bảo ATVSTP không ít. Bộ luật hình sự cũng quy định tội “đưa vào thị trường thực phẩm không đảm bảo” gây hậu quả làm chết người, gây thương tích ai đó. Nhưng vấn đề là chứng minh tội phạm này rất khó. Việc xử lý bế tắc ở khâu chứng minh quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi. Chế tài xử lý thì rõ ràng có nhưng không thể áp dụng vì cơ chế chưa đồng bộ. Theo tôi, qui định của luật không thiếu mà vấn đề là quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện quá yếu.

 

Luật sư Nguyễn Minh Anh - văn phòng Trí Minh: Công tác kiểm tra yếu chứ không phải chế tài thiếu

 

Về các biện pháp hành chính mà vừa qua nhiều người cho rằng quá nhẹ, không đủ tính răn đe, tôi cho rằng không đúng. Hiện nay, công tác kiểm tra hành chính quá yếu chứ không phải do chế tài yếu. Bị phạt đến vài triệu đồng vì bán rau không sạch thì không hề nhẹ.

 

Người Việt vẫn sợ bị phạt, sợ đụng độ cơ quan nhà nước nhưng cách tốt nhất là tăng cường kiểm tra hướng dẫn bởi việc làm sai này chủ yếu do nhận thức.

 

P.Thảo (ghi)

 
 
Phúc Hưng