1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện dài kỳ thực phẩm bẩn:

Kỳ 1: “Công nghệ” đầu độc giống nòi

(Dân trí) - Thời gian gần đây, không ít người “sởn tóc gáy” trước hàng loạt phát hiện thực phẩm bẩn. Từ mỡ bẩn tái chế làm quẩy, ngô chiên; chân gà hư thối tẩm hóa chất đến mứt tết đen đặc dòi… Không ít người lo lắng thực phẩm bẩn đang ngấm ngầm đầu độc giống nòi.

Chạy trời không khỏi bẩn!

Dường như, chưa khi nào người dân Việt Nam lại phải “đương đầu” với nhiều loại thực phẩm bẩn như hiện nay. Từ các món ăn khô đến ướt, từ món mặn đến món ngọt, từ đồ dầm cho đến đồ chín, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ bị đầu độc từ thực phẩm luôn rình rập. Cái sự bẩn của thực phẩm dường như không còn giới hạn ở mức đau bụng, tiêu chảy mà đã có người cho rằng, tình trạng bệnh ung thư gia tăng cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất….
 
Kỳ 1: “Công nghệ” đầu độc giống nòi - 1
Ngô được chiên bằng mỡ phế thải (Ảnh: Phúc Hưng)

Thống kê được đưa ra trong Hội nghị khoa học An toàn vệ sinh thực phẩm lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/12/2009 cho thấy: có tới 56% các mẫu thực phẩm được xét nghiệm bị nhiễm vi sinh vật và nhiều loại thực phẩm bị nhiễm chất hóa học, chất kích thích tăng trưởng, chất hỗ trợ chế biến, chất chống oxy hóa… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Các chuyên gia tham dự Hội nghị này đều có cùng chung nhận định, ngày càng có nhiều loại thực phẩm bị nhiễm hóa chất và chất kích thích. Việc phát hiện thực phẩm nhiễm Listeria Monocytogene gây ngộ độc, sảy thai và thai chết lưu gần đây là một ví dụ đau lòng nhưng có thật. Từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước tạm thời ghi nhận con số 111 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.100 người mắc, trong đó 31 người tử vong.

Càng về thời điểm cuối năm, thông tin về những vụ thực phẩm bẩn lại càng xuất hiện dồn dập. Sau khi phát hiện 3 tấn mỡ thối đang trên đường nhập lò làm bánh trung thu, tháng 9/2009, công an TP Hà Nội phát hiện, thu giữ 50 tấn mỡ đang trên đường vận chuyển và lưu giữ tại một nhà kho nằm trên địa phận huyện Đông Anh.

Tiếp đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng loạt tấn mỡ thối tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Tháng 11/2009, Phòng PC36 CATP Hồ Chí Minh tiếp tục phát hiện hai cơ sở chuyên sản xuất mỡ bột, tóp mỡ từ lòng phèo, da, mỡ động vật còn dính phân đang hoạt động hết công suất. Tang vật thu được là 70 tấn mỡ.

Tháng 12, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng chức năng khám phá hai kho chứa hàng chục tấn mỡ thối với quy trình chế biến khép kín xứng đáng được xếp hạng “siêu bẩn”.

Cũng trong tháng này, lực lượng chức năng tại Hà Nội phát hiện mối quan hệ giữa những cơ sở sản xuất mỡ bẩn với một cơ sở chuyên chế biến quẩy, ngô chiên tại làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Và mới đây nhất, một cơ sở làm mứt Tết tại TP Hồ Chí Minh bỗng nhiên “nổi đình đám” khi hàng tấn nguyên liệu làm mứt đựng trong các thùng phuy với hằng hà sa số dòi bọ...
 
Kỳ 1: “Công nghệ” đầu độc giống nòi - 2

Nằm cùng những miếng nguyên liệu mứt là dòi, ruồi nhặng, thằn lằn và cả phân gián (Ảnh: Công Quang)

Phong phú “công nghệ đầu độc”

Đã có cả một chương trình của cơ quan quản lý kêu gọi mỗi người tiêu dùng là một  “nhà thông thái”. Tuy nhiên, với những hoạt động tinh vi của các cơ sở, cá nhân cố tình sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn thì các “nhà thông thái” cũng bó tay.
 
Kỳ 1: “Công nghệ” đầu độc giống nòi - 3
"Mực bẩn" được chế biến tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội (Ảnh: Phúc Hưng)

Cụ thể, ngay tại khu chợ đầu mối Long Biên, chợ thực phẩm sầm uất nhất Hà Nội, giữa năm 2009, lực lượng liên ngành đã phát hiện sản phẩm mực đông lạnh trương thối, mốc xanh mốc đỏ được tẩy bằng hóa chất để “biến” thành mực… tươi, trắng phau. Tiến hành kiểm tra các kho đông lạnh tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cả một hệ thống máy quay tạo lực ly tâm làm trắng mực.

Công nghệ chế biến được các nhân công mô tả chính xác như những nhân viên kỹ thuật đích thực: mực bẩn đông lạnh được bóc sạch, sau đó cho vào thùng có chứa nước rồi đổ nửa cân muối, 1/3 cây đá và khoảng 250ml hóa chất hydrogen peroxide vào ngâm trong vòng 1 tiếng. Sau đó, mực được đưa vào máy quay ly tâm “làm trắng”, rửa sạch và đóng thùng xốp đem đi tiêu thụ.

Có mặt tại thời điểm kiểm tra, PV Dân trí ghi nhận, trong số những thùng mực chưa được tẩy rửa có thùng đã bốc mùi và đầy dòi bọ. Mỗi ngày, hai ki ốt “làm trắng mực” hoàn thành cả tấn mực hóa chất để đưa vào thị trường.

Trong khi đó, việc chế biến mỡ thối, hành phi bẩn, quẩy chiên “ô nhiễm” theo lời khai của các chủ lò chế biến mỡ phế phẩm cho thấy, “công nghệ” được khép kín, chuyên môn hóa từ khâu thu mua, tái chế và tiêu thụ. Đơn cử như tại các cơ sở chế biến tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những phế phẩm động vật được thu mua giá siêu rẻ (2.000 - 4.000 đồng/kg) tại các tỉnh xa rồi dùng xe đông lạnh hoặc xe tải chở về chế biến.
 
Kỳ 1: “Công nghệ” đầu độc giống nòi - 4
Những thùng phuy đựng dầu, mỡ siêu bẩn (Ảnh: Phúc Hưng)

Mỡ được sơ chế bằng cách cho vào chảo, đun sôi; sau đó được “bốc” ra bằng xẻng, để nguội cho máy ép thành các tảng mỡ. Với mỡ, dầu ăn thải loại, việc chế biến còn có phần đơn giản hơn: Số mỡ này được đổ vào các bể chứa, lọc cặn để lấy mỡ trong, dồn vào thùng chứa và chiết dần ra can nhựa để bán.

Thực phẩm bẩn sau khi được chế biến, đóng gói sẽ được “phân phối” đến các điểm kinh doanh rồi đến tay người tiêu dùng, kết thúc một “hành trình đầu độc” đáng sợ.

Phúc Hưng
(còn tiếp)