Chuyện dài kỳ về thực phẩm bẩn:
Kỳ 4: “Rủi ro khi sử dụng thực phẩm là khó tránh”
(Dân trí) - “Nước ta, đến mùa giáp hạt, nhiều nơi vẫn còn thiếu ăn nên vấn đề ATTP luôn được đặt sau vấn đề số lượng. Chưa nói đến những phong tục tập quán trong ăn uống tồn tại hàng trăm năm chưa thể thay đổi ngay như ăn tiết canh, ăn gỏi cá...”
Vấn đề ATVSTP được xã hội hết sức quan tâm, không chỉ nóng ở dư luận xã hội mà nóng cả trong nghị trường của Quốc hội. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, ảnh hưởng lâu dài tới giống nòi.
Để tồn tại tình trạng này, có những nguyên nhân khách quan như ATTP là vấn đề lớn, rủi ro sử dụng thực phẩm là rủi ro khó tránh. Ở đất nước chúng ta, đến mùa giáp hạt, nhiều nơi vẫn còn thiếu ăn nên việc quan tâm đến ATTP luôn được đặt sau việc quan tâm đến số lượng.
Ngoài ra, có những phong tục tập quán trong ăn uống, sinh hoạt rất lạc hậu, tồn tại hàng trăm năm chưa thể thay đổi ngay một lúc như ăn tiết canh, ăn gỏi cá...
Tuy nhiên phải thấy được, bên cạnh những vụ việc đã phát hiện, đã xử lý... cũng có nhiều thành tích về ATVSTP mà chúng ta đạt được trong thời gian qua.
Ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo và hướng dẫn triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra, thanh tra toàn diện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. |
Một bất cập được nói đến từ khá lâu nay là sự chồng chéo trong việc quản lý, dẫn đến việc quản lý ATVSTP chưa tốt. Tại diễn đàn Quốc hội đã có ý kiến cho rằng, có tới 5 bộ “quản” một mâm cơm nhưng cuối cùng là chẳng ai quản cả?
Trong lĩnh vực ATVSTP, việc phối hợp liên ngành được thể hiện bằng văn bản pháp luật, phân công trách nhiệm rất rõ ràng. Vấn đề là công cụ để thực hiện và chế tài xử phạt còn chưa phù hợp. Chúng ta xây dựng pháp lệnh, ban hành chế tài, nhưng trên thực tế đến giờ có những nội dung không còn phù hợp.
Khi đã quy định trách nhiệm rồi, phải làm sao tạo cho các cơ quan được giao công cụ để thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Công cụ ở đây là con người và kinh phí triển khai. Cả hai công cụ này đang rất thiếu.
Hiện nay chúng ta đang xây dựng dự thảo luật ATVSTP. Hy vọng nếu được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được một phần những tồn tại.
Dường như sự phối hợp liên ngành chưa tốt, trách nhiệm của Cục ATVSTP đến đâu, vì đây chính là cơ quan tham mưu cao nhất trong lĩnh vực này?
Như tôi đã nói, việc phân công trách nhiệm đã rất rõ ràng. Vấn đề là các cơ quan chức năng này cần phải được trang bị công cụ để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi đã có những tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Bộ Y tế, cứ 3 tháng một lần, các tổ công tác liên ngành đều họp, để đánh giá những vấn đề phối hợp liên ngành cái gì còn tồn tại, khúc mắc. Vì thế, chúng tôi không băn khoăn lắm về vấn đề liên ngành.
Đặc biệt năm 2010 này đã có ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP TƯ mới. Trước đây Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban, nay trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, có đại diện của hai thành phố lớn là UBND Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các cơ quan thông tin đại chúng...
Nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý ATVSTP, theo ông có hay không tình trạng lơ là kiểm tra ATVSTP của các bộ ngành liên quan?
Làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ngày 13/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Tôi phải ăn kiêng nên chủ yếu ăn rau. Nhưng về nhà vợ bảo rau toàn là thuốc trừ sâu. Rốt cuộc mình không biết ăn gì cho an toàn”. Phó Thủ tướngyêu cầu các ngành chức năng phải nghiên cứu nâng mức xử phạt vi phạm trên lĩnh vực ATVSTP, đảm bảo đủ sức răn đe, không để tiếp diễn tình trạng thực phẩm mất an toàn ngày ngày đầu độc người tiêu dùng như hiện nay. Theo Phó Thủ tướng, hậu quả do mất ATVSTP gây ra gặm nhấm con người từng ngày, không thể tính được. |
Chúng tôi đi kiểm tra nhiều địa phương, người ta quan niệm trách nhiệm kiểm tra ATVSTP là trách nhiệm của ngành y tế. Kinh phí của TƯ cấp về nhưng nhiều nơi còn “cắt” bớt phần kinh phí này.
Điều này cho thấy họ chưa thấy hết tầm quan trọng, vai trò của mình. Điều tra về ATTP tiến hành hàng năm, nhiều đơn vị cán bộ lãnh đạo trả lời không nắm được văn bản nào liên quan.
Có ý kiến cho rằng những hành vi vi phạm ATVSTP đã đến lúc không thể chỉ xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự. Quan điểm của ông như thế nào?
Không phải đến bây giờ mới đề xuất xử lý hình sự về ATVSTP. Trên thực tế đã có những vụ vi phạm bị xử lý bằng hình sự. Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội đi giám sát việc thực thi các quy định pháp luật trong ATVSTP, thì trong thời gian qua xử lý 120 vụ bị xử lý bằng hình sự. Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cần kiên quyết hơn, mạnh tay hơn với những vi phạm.
Ông có cho rằng con số 120 vụ là quá ít so với thực tế?
Ngoài xử lý hình sự còn có nhiều chế tài khác như xử phạt hình chính. Tôi cho rằng mức đưa ra không phải là nhẹ, không phải không có chế tài, không hành lang pháp lý... mà là vấn đề chúng ta phải kiên quyết với xử lý vi phạm
Dư luận quan tâm, trong thời gian tới, Cục ATVSTP triển khai hoạt động như thế nào để cải thiện tình hình mất ATVSTP như hiện nay?
Dứt khoát phải phê bình, xử lý những sai phạm. Năm 2010, chúng tôi sẽ củng cố hệ thống kiểm nghiệm. Nâng cao năng lực cho 63 chi cục, cụ thể ở đây là công tác đào tạo cán bộ. Mở lớp đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra. Phối hợp các trường đại học liên tục mở lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Đức - Hồng Hải (thực hiện)