1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tây Bắc mùa dã quỳ nở:

Kỳ 3: Ấn tượng những con đèo

(Dân trí) - Đối với người từng một lần qua miền Tây Bắc thì những con đèo luôn để lại ấn tượng cực kỳ sâu đậm. Đơn giản vì chặng đường hàng nghìn cây số từ Hoà Bình vòng về Yên Bái đi đến đâu cũng chỉ thấy đèo và đèo. Trong số vài chục con đèo lớn bé, nổi lên có Pha Đin, Xá Tổng, Ô Quy Hồ là đáng kể hơn cả.

Pha Đin: Nơi tiếp giáp giữa đất và trời

 

Người Thái gọi Pha Đin là Phạ Đin. Phạ nghĩa là trời còn Đin là đất. Phạ Đin nguyên nghĩa là nơi tiếp giáp giữa trời đất. Chuyến Tây Bắc đầu tiên, khi đặt chân tới đây tôi đã mê mẩn trước cảnh sắc cực kỳ quyến rũ ở nơi có độ cao tới hơn 1.000m này (chỗ cao nhất là hơn 1.600m).

 

Pha Đin đẹp nhưng cực kỳ hiểm trở. Con đèo dài 32km khi lên dốc, lúc xuống dựng đứng, đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, toàn cua tay áo. Đây là thử thách lớn nhất đối với cánh lái xe tải trong lộ trình Hà Nội - Điện Biên.

 

Lần trước qua đây, tôi đã thấy một chiếc xe tai nạn, bẹp dúm dó toàn bộ phần đầu xe. Thì y như rằng, lần này đi tới sườn Tuần Giáo, tôi lại thêm một lần nữa chứng kiến tới 2 tai nạn ôtô. Một chiếc xe du lịch 12 chỗ màu xanh lao xuống vực ở khu vực đỉnh đèo, chiếc còn lại là ô tô tải bị lật ngang. Lái xe tải tên Vịnh may mắn thoát hiểm chỉ bị xước xát nhẹ, mặt xanh như đít nhái. Vịnh nói, vẫn chưa hết run: “Những tay lái tài ba nhất khi qua đây cũng đều phải xốc lại tinh thần và cực kỳ thận trọng. Xe chỉ dám đi thật chậm. Bò lên đèo đã khổ, nhưng đến lúc đổ đèo (xuống) thì còn “nhục” hơn nhiều. Chỉ cần chút sơ sẩy là lật xe ngay”.

 

Lần này khi tôi đi qua Pha Đin, bên sườn Thuận Châu người ta đang mở đường rộng hơn. Mở xong bên này, sẽ làm nốt bên Tuần Giáo. Chỉ một thời gian ngắn nữa thì con đèo trứ danh - từng là nỗi khiếp sợ của không biết bao nhiêu lãng khách - sẽ bớt nguy hiểm đi rất nhiều. Đường được mở to hơn và những con dốc được đánh xuống thấp hơn, ăn cả vào lòng núi.

 

Kỳ 3: Ấn tượng những con đèo - 1
                 Tai nạn trên đèo xảy ra như cơm bữa. 

 

Đêm ngủ lại ở đỉnh đèo, một người bạn cũ - giờ là công an - sau khi say rượu bắt đầu ngồi khật khưỡng kể về truyền thuyết con đèo. Câu chuyện này tôi đã nghe anh kể không dưới 10 lần, toàn trong lúc say, nhưng lần nào cũng thấy có điều gì thật huyền bí. Rằng ngày xưa có một cuộc đua ngựa vô tiền khoáng hậu giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (cũ). Ngựa Lai Châu phi nhanh hơn, nên phần đèo thuộc về Lai Châu (nay thuộc đất Điện Biên) dài hơn phần đèo của Sơn La...

 

Đèo Xá Tổng: Điểm tận cùng của cung đường hoang

 

Đoạn đường từ Tuần Giáo lên Lai Châu phải đi qua con đèo hiểm trở nhất mà tôi từng biết, là đèo Xá Tổng. Con đèo dài 25km và mặt đường thì xấu tới mức không thể tưởng tượng. Nhiều đoạn không cọc tiêu, không gương cầu, nhìn xuống chân chỉ thấy những đoạn đường ngoằn ngoèo vòng vo như rắn lượn. Chỉ cần một chút lơ đễnh là lao xuống vực như chơi.

 

Chiếc xe Minks gầm lên từng hồi một cách mỏi mệt, đa phần chỉ có thể lết được bằng số 1. Người ta nói, đoạn đường này đã bị bỏ hoang từ lâu, hầu như không có ô tô đi qua đây vì đường quá nguy hiểm.

 

Càng đi, đường càng trở nên hoang vắng. Thảng hoặc ven đường mới có một bóng nhà nhỏ. Người bạn đồng hành ngồi sau liên tục xoay xở đủ tư thế ngồi. Chiếc xe chồm lên từng chặp, mệt bã người. Đi hết con đèo này sẽ tới thị trấn Mường Lay, nơi chẳng còn bao lâu nữa sẽ chìm trong bể nước.

 

Đỉnh đèo có vẻ là nơi sinh động nhất trong suốt quãng đường dài gần 30km. Có vài hàng quán lụp xụp tiêu điều. Những người đi xe máy khi tới đây thường dừng lại nghỉ, họ xem xét lại hệ thống phanh để xuống dốc.

 

Tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để có thể vượt qua đoạn đường dài chỉ 25km. Suốt đoạn đường, tôi nhìn dán mắt vào lòng đường mà chẳng dám ngó xuống dưới chân. Con đèo gần như hoang phế ấy chắc chắn sẽ còn là nỗi kinh hoàng cho nhiều người yếu bóng vía khi bất đắc dĩ phải đi qua.

 

Đèo Ô Quy Hồ: Kỷ lục về độ dài

 

Kỳ 3: Ấn tượng những con đèo - 2

Huyền tích về đèo Ô Quy Hồ đủ làm người yếu bóng vía rợn tóc gáy.

 

Nhiều người vẫn quen gọi đây là đèo Hoàng Liên. Đỉnh đèo là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có lẽ đây là con đèo dài nhất dải Tây Bắc, tới hơn 40km. Đường sá khá tốt và núi non thật hùng vĩ. Những tấm biển “Chú ý tai nạn” được cắm dọc đường rất nhiều, luôn đập vào mắt người đi đường như những lời căn dặn.

 

Cung đường này ôtô qua lại nườm nượp, nhất là cánh xe khách. Để đi từ Hà Nội lên Lai Châu, nhiều người thường chọn cách đi tàu lên Lào Cai và tiếp tục cuộc hành trình Lào Cai - Lai Châu bằng đường này.

 

Tôi từng nghe những truyền thuyết ở đèo Ô Quy Hồ, thường là các câu chuyện truyền miệng nghe có phần hoang đường nhưng cũng đủ làm người yếu bóng vía rợn tóc gáy. Nhân vật đáng sợ luôn là các thần hổ - những con hổ già đời tinh quái, thường rình rập ở đâu đó trên đèo để bắt người. Nhắc tới Ô Quy Hồ, nhiều người không khỏi rờn rợn liên tưởng tới tập truyện “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn tiền chiến TCHYA.

 

Con đèo chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là mái nhà nước Việt. Đường dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện. Và điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự khác biệt về thời tiết. Bên sườn Lai Châu, thời tiết không đến nỗi lạnh nhưng từ đỉnh đèo đổ dốc xuống sườn Lào Cai thì nhiệt độ hạ xuống ghê gớm, có lẽ chỉ vài độ. Từ đỉnh đèo chạy về Sa Pa (dài 12km), tôi đi trong cái rét tê tái, mặt gần như không còn cảm giác và tay chân buốt như có kim đâm.

 

Đèo Tây Bắc luôn là đề tài thú vị nhất trong những câu chuyện của những người từng qua mảnh đất này! Qua thời gian, những con đèo được mở rộng ra, bớt cao và bớt nguy hiểm, thì cái thú vị khi vượt đèo cũng nhạt dần. Lần sau nếu có dịp đi qua Pha Đin, tôi chắc chắn đó sẽ là con đường rất rộng. Chỉ mong sao sẽ không phải thấy hình ảnh những chiếc xe tải bị lật. Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

 

Lê Bảo Trung