Quảng Bình:
“Khi ôm lựu đạn xung phong, tôi chắc mình sẽ chết”
(Dân trí) - “Khi xung phong tiến lên, tôi chắc mình sẽ chết nhưng không cho phép mình lùi. Tôi đã bình tĩnh mang theo 4 quả lựu đạn, 5 quả pháo B40 tiến lên cảm tử. Địch xả súng bắn đinh tai nhức óc nhưng tôi vẫn cố gắng phóng 3 quả B40 vào chính công sự và 2 bên khiến 15 tên giặc Mỹ bỏ mạng”.
Tháng 5 năm 1972, chàng trai trẻ Đinh Hữu Ánh, quê ở thôn Ông Chinh, xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Ông được bổ nhiệm vào đơn vị D46C thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Sau một tháng huấn luyện, ông được tăng cường cho Trung đoàn 48 mang tên Thạch Hãn với 2.000 lính đặc công làm nhiệm vụ bảo vệ và đánh địch tái chiếm thành cổ Quảng Trị.
Tại đây, ông đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch 81 ngày đêm máu lửa. Tính từ tháng 7 đến cuối tháng 8/1972, ông đã trực tiếp tham gia 48 trận đánh. Lúc đó, địch được yểm trợ bởi pháo binh, hải quân và hàng chục máy bay huy động từ Đà Nẵng vào hủy diệt thành cổ. Trung bình 1 phút chúng bắn 47 quả pháo, hàng trăm tốp máy bay, tàu biển, xe tăng dội bom đạn bắn phá.
Người cựu binh Đinh Hữu Ánh kể lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt ở thành cổ Quảng Trị
Để đối phó với địch, trong quá trình chiến đấu, ta đã 17 lần tăng cường quân, mỗi lần tăng 1 tiểu đoàn khoảng 500 người. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt, cả ta và dịch đều thiệt hại nặng nề, nhiều máy bay, xe tăng, tàu thủy của chúng bị bắn cháy, hàng chục ngàn lính Mỹ, ngụy phải đền tội. Còn phía ta có 83.000 chiến sỹ hy sinh.
Và trong một trận đánh ác liệt, đơn vị của ông Ánh chỉ còn lại 6 người nhưng vẫn dũng cảm xông lên đánh địch. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ tiến lên diệt mục tiêu, 5 đồng đội khác phía sau yểm trợ. “Khi xung phong tiến lên, tôi biết chắc mình sẽ chết nhưng không cho phép mình lùi. Tôi đã bình tĩnh mang theo 4 quả lựu đạn, 5 quả pháo B40 tiến lên cảm tử. Địch xả súng bắn đinh tai nhức óc nhưng tôi vẫn cố gắng phóng 3 quả B40 vào chính công sự và 2 bên khiến 15 tên giặc Mỹ bỏ mạng. Tuy nhiên, lúc này địch vẫn còn nhiều nên chúng tôi phải rút lui để bảo toàn lực lượng”, ông Ánh nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Sau trận đánh này, ông được Trung đoàn phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” cấp 1. Đánh xong trận thứ 48 thì ông bị thương phải ra Quảng Bình điều trị, còn cả đơn vị gần như đã hy sinh.
Dù sau một thời gian chữa trị, vết thương chưa lành hẳn, nhưng người lính trẻ lại xung phong trở lại Quảng Trị chiến đấu tiếp. Tháng 10/1972, đơn vị ông được phân công đánh địch ở cánh đông thuộc hướng chi viện cho thành cổ, chốt tại xã Long Quang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trong đó có trận đánh tại đồi C5 ở nhà thờ Linh An. Trong trận này, được sự yểm trợ của đồng đội, ông đã dùng lưu đạn và B40 tiêu diệt gọn cả trung đội của địch với 18 tên. Với chiến công này, ông tiếp tục được đơn vị phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” cấp 2.
Tham gia hàng chục trận chiến sinh tử, nhưng trận đánh để lại cho ông Ánh kỷ niệm sâu sắc nhất là trận ngày 17/1/1973. Khoảng 6 giờ sáng, trên một bãi cát ở huyện Triệu Phong, địch huy động 7 xe tăng, 32 máy bay yểm trợ cùng một viên tướng kéo theo lực lượng hùng hậu đến tấn công. Chúng thả bom, bắn đạn khiến đơn vị ông hy sinh phần lớn. Lúc đó, ông cùng những người còn lại vẫn kiên cường chiến đấu, bảo vệ mục tiêu.
Với tư cách là người chỉ huy trận đánh, ông đã chỉ đạo anh em phía sau dùng pháo B40, B41 để chờ lệnh khi xe tăng chúng tấn công. Tuy nhiên, xe tăng địch không tấn công mà chúng đánh bộ binh. Hàng trăm tên lính Mỹ, ngụy hung hăng xông lên, ông đã ném một loạt lựu đạn và bắn B40 chống trả quyết liệt và tiêu diệt được 40 tên. Lúc này, lực lượng quá chênh lệch nên ông đã quyết định mở “đường máu” để rút lui, nhưng trên đường rút thì bị chúng truy kích bằng những cơn “mưa bom bão đạn”. Toàn bộ anh em hy sinh, ông bị thương nặng nên chúng tưởng chết rồi rút quân. Với chiến thành tích trên, ông tiếp tục được đơn vị phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” cấp 3.
Chiến thắng 81 ngày đêm tại chiến trường thành cổ Quảng Trị khiến đế quốc Mỹ thua trên bàn đàm phán và buộc ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, sau đó rút quân về nước trong sự nhục nhã.
Đến năm 1976, ông Ánh xuất ngũ trở về quê hương, sống một cuộc sống bình dị bên gia đình, nhưng mỗi khi nhắc lại những trận đánh ở Quảng Trị, ký ức căm thù giặc năm xưa lại hiện về trong ông. “Tôi không muốn nói nhiều đến 3 danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” của mình. Điều tôi đau xót nhất là chiến tranh ở Quảng Trị vô cùng tàn khốc, anh em, đồng đội hy sinh nhiều quá”, trái tim người cựu binh Đinh Hữu Ánh như thắt lại.
Quy Đạt - Đặng Tài