1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kênh Bắc Hưng Hải đang bị "bức tử", làm gì để dòng kênh "hồi sinh"?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Kênh Bắc Hưng Hải tưới 110.000ha canh tác; cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người; tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương...

Ngày 21/6, báo điện tử Dân Trí tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến Thực trạng ô nhiễm và giải pháp "hồi sinh" Bắc Hưng Hải.

Tham dự buổi tọa đàm có: Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó phòng Phòng chống tội phạm nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an); ông Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Buổi tọa đàm nhằm thảo luận về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các giải pháp dài hạn để giúp kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải được "hồi sinh".

Kênh Bắc Hưng Hải đang bị bức tử, làm gì để dòng kênh hồi sinh? - 1

Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm về thực trạng dòng kênh đen Bắc Hưng Hải (Ảnh: Hữu Nghị).

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết nhiệm vụ của hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là đảm bảo tưới cho 110.000ha canh tác, tạo nguồn cấp nước cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2.000ha và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người. Đặc biệt là tiêu nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương.

Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.

Kênh Bắc Hưng Hải đang bị bức tử, làm gì để dòng kênh hồi sinh? - 2

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. (Ảnh: Hữu Nghị).

Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật được xả vào hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết ngoài nguyên nhân xả nước thải vượt quy chuẩn của các doanh nghiệp, thì nguyên nhân chính là các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Theo ông Vy, để kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải "sống lại" thì cần triển khai 4 giải pháp trước mắt và lâu dài.

Kênh Bắc Hưng Hải đang bị bức tử, làm gì để dòng kênh hồi sinh? - 3

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời câu hỏi của bạn đọc nêu ra tại cuộc tọa đàm. (Ảnh: Hữu Nghị).

Thứ nhất, phải thống kê các nguồn thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, từ đó chúng ta sẽ có kế hoạch kiểm soát nguồn thải. Lâu nay, số liệu nguồn thải chưa đầy đủ. Muốn quản lý thì phải có thông tin làm cơ sở.

Khi có thông tin, Bộ Tài nguyên và môi trường có thể có văn bản đôn đốc UBND các tỉnh tăng cường xử lý, như ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm… từ đó chúng ta sẽ giải quyết được các nguyên nhân chính.

Thứ hai, chúng ta phải điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải. Bởi vì, nếu muốn quản lý nguồn nước mặt xả thải thì phải xem hệ thống còn khả năng chịu tải hay không mới cấp phép xả thải. Ngoài ra, phải ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt của hệ thống Bắc Hưng Hải.

Thứ ba, trên cơ sở thống kê, Bộ Tài nguyên và môi trường phải phối hợp với UBND các tỉnh. Trong đó, UBND các tỉnh chịu kinh phí. Nếu có vướng mắc về kinh phí đầu tư hệ thống thì bộ và UBND các tỉnh có liên quan sẽ cùng có kiến nghị với Thủ tướng các giải pháp để hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý.

Thứ tư, trách nhiệm của đơn vị vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Còn ý kiến cho rằng, có cần thành lập tiểu ban, ông Vy cho rằng pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan. Nếu làm đầy đủ các nội dung trên thì không cần thiết phải thành lập một tiểu ban chỉ đạo việc này.

"Trước đây chúng ta có các ủy ban bảo vệ sông, nhưng hiệu quả khá hạn chế. Thay vì thế, chúng ta nên tăng cường làm tốt chức năng nhiệm vụ mà pháp luật quy định cho các cơ quan, đơn vị liên quan" - ông Vy nói.

Tại buổi tọa đàm, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó phòng Phòng chống tội phạm nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) - cho biết: Trong thời gian qua, sau khi nhận được mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an về việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về môi trường đối với kênh Bắc Hưng Hải của Bộ Công an, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt. Trực tiếp Cục trưởng và Phó Cục trưởng tham gia khảo sát từ trên bờ đến dưới sông, các kênh nhánh chính, phụ.

Kênh Bắc Hưng Hải đang bị bức tử, làm gì để dòng kênh hồi sinh? - 4

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó phòng Phòng chống tội phạm nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an). (Ảnh: Hữu Nghị).

"Vừa qua, chúng tôi đã tổng kiểm tra, xử lý tổng hợp được mức phạt hơn 11 tỷ đồng. Riêng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử phạt 5,4 tỷ, 4 công an địa phương xử lý hơn 6 tỷ đồng. Chúng tôi đã kiểm tra 293 vụ, đã xử phạt 222 vụ, số còn lại đang tiếp tục kiểm tra, xử lý. Sau tọa đàm, chúng tôi sẽ tăng cường công tác xử lý để phòng ngừa" - Thượng tá Nguyễn Văn Thắng nói.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, cuối tháng 5, đơn vị đã phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh kiểm tra gần 20 đơn vị xả nước thải ra công trình thủy lợi.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phòng ngừa, kiểm tra, xử lý; tham mưu cho công an tỉnh, huyện, công an xã tăng cường công tác giám sát. Với các hộ sống 2 bên bờ kênh cần yêu cầu ký cam kết không vứt rác xuống lòng kênh.

Thời gian qua, Công an Hà Nội và Hưng Yên đã huy động được đoàn viên, sức dân và một số doanh nghiệp tổ chức thu dọn rác, phát bụi cây và tuyên truyền người dân không được vứt rác.

Trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ kiểm tra xử lý của ngành công an, cần sự chỉ đạo của các ngành, cấp, địa phương để có sự phối hợp nhịp nhàng, đạt hiệu quả cao nhất trong nỗ lực "hồi sinh" cho dòng kênh Bắc Hưng Hải.