1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Dòng kênh Bắc Hưng Hải đang quá sức chịu đựng"

Dân trí

(Dân trí) - Sáng 21/6, Báo điện tử Dân trí tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến "Thực trạng ô nhiễm và giải pháp "hồi sinh" Bắc Hưng Hải".

Tọa đàm trực tuyến: Thực trạng ô nhiễm và giải pháp "hồi sinh" Bắc Hưng Hải

Dòng kênh Bắc Hưng Hải đang quá sức chịu đựng - 1

Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm về thực trạng dòng kênh đen Bắc Hưng Hải (Ảnh: Hữu Nghị).

Tham dự buổi tọa đàm có: Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó phòng Phòng chống tội phạm nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an); ông Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Buổi tọa đàm nhằm thảo luận về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các giải pháp dài hạn để giúp kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải được "hồi sinh".

Dòng kênh Bắc Hưng Hải đang quá sức chịu đựng - 2

Hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Ảnh: Đỗ Quân).

Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; hơn 86 nghìn công trình thủy lợi, kênh mương bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chất lượng nước ở nhiều công trình thủy lợi không đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước ở Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hệ thống thủy lợi này được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232km, cung cấp chủ yếu nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho gần 200.000ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung; duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, trong những năm qua việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Các khu công nghiệp, hộ gia đình xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng.

Trong giai đoạn đổ ải năm 2020, Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nước thường xuyên ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình lấy nước phục vụ sản xuất của các địa phương.