1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Hơn 1km đường kẹt suốt 4 năm, dân sống "treo" cùng dự án

Doãn Công

(Dân trí) - 200 hộ dân ở hai phường Ngô Mây, Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang sống trong tình cảnh "treo" sườn núi, ở không được, đi chẳng xong vì dự án đường dang dở.

Ở không được, đi chẳng xong

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Mây nối dài do Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với kinh phí gần 400 tỷ đồng.

Tuyến đường dài 1,4km này bắt đầu từ ngã ba đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây và điểm kết thúc giáp với đường Điện Biên Phủ (TP Quy Nhơn).

Hơn 1km đường kẹt suốt 4 năm, dân sống treo cùng dự án - 1

Khu vực dự án đường Ngô Mây nối dài (Ảnh: Bình Định).

Dự án triển khai thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, 4 năm qua, công trình dự án gần như "án binh bất động".

Vợ chồng anh Võ Văn Hải (47 tuổi, phường Ngô Mây) cùng 2 người con phải đóng cửa nhà đi nơi khác thuê trọ ở. Căn nhà cấp 4, diện tích hơn 40m2 của gia đình anh đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa vì nhà nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng dự án. 

Hơn 1km đường kẹt suốt 4 năm, dân sống treo cùng dự án - 2

Nhà ở xuống cấp nhưng không được sửa vì vướng dự án, gia đình anh Hải phải thuê trọ (Ảnh: Doãn Công).

Anh Hải quê ở huyện Phù Cát vào TP Quy Nhơn mưu sinh từ những năm 2000. Lập gia đình, vợ chồng anh lên núi mua đất không giấy tờ cho rẻ rồi xây tạm căn nhà nhỏ làm nơi tá túc.

"Giờ ở cũng chẳng được, đi cũng không xong. Tôi mong muốn nếu chưa làm đường thì địa phương cho chúng tôi sửa nhà để ở, nếu giải tỏa thì đền bù thỏa đáng để người dân có điều kiện tìm nơi tái định cư", anh Hải trình bày.

Tương tự hộ anh Hải, bà Nguyễn Thị Thanh (48 tuổi) cho hay, gia đình bà sinh sống ở khu vực này từ năm 2003, hiện tại nhà đã xuống cấp nhưng việc sửa chữa "treo" theo dự án.

Hơn 1km đường kẹt suốt 4 năm, dân sống treo cùng dự án - 3

Các hộ dân ở sườn núi, triền núi nhà xuống cấp nhưng 4 năm qua không được sửa chữa (Ảnh: Doãn Công).

"Nhà và đất của gia đình tôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có nộp thuế đất. Giờ vướng dự án, đi không được, ở cũng không xong. Vừa rồi địa phương thông báo giá hỗ trợ gia đình 241 triệu đồng nhưng không thấy đề cập gì chỗ ở. Bây giờ cầm hơn 240 triệu đồng đi thì làm được cái gì", bà Thanh nói.

Ngay sát vách nhà bà Thanh, gia đình ông Võ Văn An chuẩn bị cho con trai lấy vợ, phải đập bỏ nhà vệ sinh để làm thêm phòng ngủ. Còn nơi vệ sinh phải mua 2 ống bi bê tông đặt tạm.

Hàng trăm hộ dân lấn chiếm đất: Khó xác định nguồn gốc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Vịnh - Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn - cho biết dự án đường Ngô Mây nối dài ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối và hoa màu.

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 6 đợt gồm 58 hộ dân, với kinh phí hơn 33 tỷ đồng.

Hơn 1km đường kẹt suốt 4 năm, dân sống treo cùng dự án - 4

Dự án đường Ngô Mây nối dài vẫn đang ngổn ngang (Ảnh: Doãn Công).

"Đa số hộ dân trong khu vực dự án nằm trên sườn, triền núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn). Trong đó chỉ có 11 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Còn lại 189 hộ tự ý lấn chiếm đất núi xây dựng nhà, sử dụng đất chưa được cấp sổ; riêng phường Ngô Mây có 82 trường hợp thuộc diện này", Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn thông tin.

Nêu vấn đề trách nhiệm của phường Ngô Mây khi để xảy ra tình trạng nhà ở lấn chiếm đất núi gây khó giải phóng mặt bằng dự án, lãnh đạo TP Quy Nhơn cho rằng tình trạng này diễn ra từ rất lâu trước khi có dự án.

Việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân trong khu vực dự án gặp nhiều khó khăn, vì đa số các hộ dân sử dụng đất không có giấy tờ, chuyển nhượng nhiều lần bằng giấy viết tay.

"Các hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài, nhiều trường hợp sử dụng trước ngày 1/7/2004. Từ khi thực hiện dự án đến nay, không có trường hợp phát sinh lấn chiếm mới", ông Vịnh cho biết.

Đại diện phường Ngô Mây, bà Hồ Thị Kim Ngọc, Chủ tịch phường này khẳng định, các hộ dân thuộc vùng giải tỏa dự án đã lấn chiếm đất, xây dựng nhà ở trái phép từ lâu. Từ khi bà lên làm chủ tịch và thực hiện dự án đến nay, không có trường hợp phát sinh lấn chiếm mới.

Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định, cho rằng việc thi công tuyến đường này gặp trở ngại lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

Bởi theo chính sách trường hợp nhà ở lấn chiếm đất công chỉ được hỗ trợ chứ không bồi thường; không được bố trí tái định cư mà phải mua đất theo giá thị trường nên người dân không đồng thuận.

"Việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh giao cho UBND TP Quy Nhơn thực hiện. Việc này chưa xong nên chưa thể triển khai dự án. Chúng tôi đã hợp đồng với đơn vị thi công nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dự án được. Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh", ông Phong nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm