1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bão số 6:

Hơn 10 người chết, hàng trăm người bị thương

(Dân trí) - Tổng hợp báo cáo của UBPCLB một số tỉnh miền Trung đến sáng sớm nay cho biết, số người thiệt mạng vì bão đã lên hơn 10 người. Nhiều nơi vẫn trong tình trạng nguy hiểm, nước còn ngập sâu ở một số vùng đồng bằng ven biển, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở miền núi rất cao.

Tại Thừa Thiên - Huế, nước lũ tiếp tục dâng từng giờ, từng phút. Trên một số con sông, nước lũ chỉ thấp hơn mức lũ năm 1999 là 0,14m.

 

Theo thống kê mới nhất của UBPCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 43 người bị thương do bão, 14.616 căn nhà bị sập và tốc mái. Trong đó, huyện Phú Lộc bị nặng nhất với 295 căn nhà sập và 8.631 nhà tốc mái. Kế đến là huyện Nam Đông có 50 nhà sập và 3.000 căn tốc mái. TP Huế có 16.757 hộ bị ngập nước...

 

Đường Hồ Chí Minh tại km 338 cũng bị ngập. Một số đường bị sạt lở nghiêm trọng như tỉnh lộ 18, đường 14B quốc lộ 49A với khối lượng sạt lở khoảng 8.000 - 10.000 m3.

 

Huyện Phú Lộc có 107 ghe, thuyền bị chìm ngay nơi neo đậu.

 

Do sự cố của các trạm biến áp 110 kV, 220 kV và toàn bộ các đường dây 35kV, 10kV, 15kV cấp điện cho thành phố Huế và các huyện nên toàn tỉnh vẫn mất điện trên diện rộng. Đến chiều nay, mới chỉ có một vài điểm ở trung tâm thành phố Huế có điện trở lại

 

Thành phố Huế thiệt hại lớn về cây xanh với 464 cây cổ thụ và hơn 1.000 cây nhỏ bị gãy đổ. 

 

Tại Đà Nẵng có 4 người chết, trong đó có 1 em bé ở Sơn Trà chết vào 4 giờ sáng ngày 1/10 do nhà sập, 2 ngư dân Sơn Trà chết trong khi ở lại giữ tàu và 1 người dân ở quận Hải Châu chết do nhà sập.

 

Tính đến thời điểm này, TP Đà Nẵng đã có trên 100 người bị thương (riêng quận Liên Chiểu có đến 47 người bị thương do cây đổ, nhà sập).

 

Trên toàn thành phố Đà Nẵng, tất cả các cây xanh đều bị bật gốc, gãy đổ la liệt. Ở quận Liên Chiểu, 100% nhà dân nằm trên đường Nguyễn Tất Thành và một số con đường khác đều đã bị sập hoặc tốc mái, kể cả những ngôi nhà được cho là kiên cố. Các dãy nhà cao tầng bị tốc mái hoàn toàn.

 

Tại quận Sơn Trà, đã có 10 tàu chìm do va đập.

 

Bão số 6 hiện đã suy yếu và chuyển hướng sang Lào, không còn khả năng ảnh hưởng đến nước ta.

 

Tuy vậy, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa, mưa vừa và có nơi mưa to. Vì thế, người dân cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và thủy văn, chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi, ngập sâu ở vùng đồng bằng ven biển.

Quảng Nam: có 2 người chết ở huyện Điện Bàn và thị xã Tam Kỳ. Một người chết do nhà sập là chị Đỗ Thị Tú, 40 tuổi, ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn và một là nhân viên của Trạm viễn thông Viettel huyện Núi Thành tên Dương (SN1981, quê ở Hà Tĩnh), chết do điện giật. (Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh Quảng Nam vẫn xác định có một người chết).

 

Số người bị thương chưa thống kê chính xác được nhưng có thể lên đến hàng trăm người.

 

Trên toàn tỉnh, 50% nhà dân bị tốc mái, các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là Thị xã Hội An và các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Tại biển Cửa Đại (Hội An) có khoảng 60 tàu đã bị sóng đánh vỡ và nhấn chìm.

 

Tại Nghệ An, sáng 1/10, Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Nghệ An cho biết trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có 3 người thiệt mạng trong những ngày mưa bão vừa qua.


Bước đầu đã xác định được danh tính của các nạn nhân đó là: Nguyễn Văn Quyền, sinh 1977 ở xóm 11 xã Ngọc Sơn (chết hôm 28/9); Nguyễn Văn Đức, sinh 1995 ở xóm 11 xã Thanh An và Phan Đình Phúc sinh 1997 ở xóm 8 xã Thanh Hưng đều chết ngày 29/9.

 

Ngoài ra, bão số 6 còn làm 192.837 căn nhà bị hư hại. Trong đó có 5.120 căn nhà bị sập.

 

Về số lượng 198 tàu thuyền bị chìm và mất tích, Thừa Thiên Huế có 107 chiếc là loại tàu công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ và các đầm, phá; Quảng Nam có 60 chiếc tàu bị chìm; Quảng Ngãi có 12 chiếc tàu loại nhỏ bị mất tích và 3 tàu bị chìm; Kiên Giang có 9 tàu bị chìm, Đà Nẵng 6 tàu (5 tàu bị chìm, 1 mất tích); Quảng Trị có 1 tàu bị chìm.

 

Bên cạnh đó, bão số 6 còn làm 9.191 ha lúa, hoa màu bị ngập, Quảng Nam tổn thất nhiều nhất, tới 3.500ha; 122.510 ha đê, kênh mương bị sạt lở; 36.740 m3 đường gia thông bị sạt lở; 251.890 m đường điện bị đổ, đứt…

 

Hiện tại, các tỉnh đang tiếp tục thống kê thiệt hại và tổ chức khắc phục hậu quả sau cơn bão.

 

Điện thăm hỏi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên

 

Được tin bão số 6 làm chết, bị thương nhiều người dân và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, hôm nay 2/10/2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có công điện gửi: Đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị bão số 6 tàn phá; Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

 

Toàn văn như sau:

 

Bão số 6, với sức tàn phá mạnh, đã tràn qua một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là ở thành phó Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với tinh thần chủ động và những nỗ lực chung của cấp ủy, chính quyền các địa phương và các bộ, ngành Trung ương liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong thời gian ngắn, chúng ta đã đối phó có hiệu quả cao, hạn chế tối đa sức tàn phá của bão.

 

Tôi nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng vượt bậc của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền các cấp của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cùng các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo tiền phương của Đảng và Chính phủ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng, đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương trong việc phòng, chống bão số 6 vừa qua.

 

Tôi gửi lời thăm hỏi đến các gia đình bị nạn; gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị mất; mong các gia đình vượt lên khó khăn để khắc phục hậu quả do bão gây ra.

 

Tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện ngay Công điện của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả sau bão, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không để dân đói, ổn định việc học hành của học sinh và sinh viên; bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt.

 

Tình hình bão lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành Trung ương tiếp tục có kế hoạch cụ thể đến tận cơ sở để chủ động phòng chống có hiệu quả.

 

Theo TTXVN

 

Hiền Linh - Lê Tấn Quỳnh

Dòng sự kiện: bão số 6 - 2006