Bàng hoàng xứ Quảng!
(Dân trí) - Sáng 2/10, cả phía Bắc xứ Quảng vẫn chìm trong biển nước. Nhà cửa tốc mái. Cây cối nghiêng ngả, ngổn ngang. Tàu ghe chìm trong nước. Đường xá tắc nghẽn. Người dân đứng trong nhà chẳng khác nào đứng giữa đồng. Quảng Nam đang phải sống những ngày khó khăn nhất trong hàng chục năm qua.
Nơi cuồng phong đi qua
Chờ mấy chục phút trên quốc lộ 1A, tôi mới kiếm được một chỗ xuôi đường trên chuyến xe cóc. Từ Tam Kỳ xuống Hội An không một mái nhà nguyên vẹn, những mảnh tôn đổ nghiêng ngả dưới những sườn nhà trơ trọi. Từng đống áo quần, từng bao lúa lớn được người dân Điện Bàn, Hội An tuôn ra dọc theo tuyến đường tỉnh lộ. Đó là cảm nhận buồn đầu tiên trong chuyến hành trình về những miền quê thiệt hại nặng nề xứ Quảng.
Trên đường từ Trung tâm thị xã Hội An xuống phường Cửa Đại, tôi nhớ lại khung cảnh mới đây - chỉ một ngày trước bão. Cửa Đại như mảnh đất đang dậy sóng với những dãy cát trắng, bùng nổ những Resort, nhà hàng sang trọng, những ki ốt đầy ắp hàng hoá phục vụ khách nước ngoài, những con đường sạch bóng… tôi mới hiểu được tại sao người Quảng Nam ví Cửa Đại như con mắt thần hướng ra biển.
Thế mà sáng nay một cảnh tượng khó tin. Suốt cửa ngõ vào trung tâm là những khu phố nhà cửa sập đổ, những mảnh tôn trắng rơi la liệt. Những quán nhỏ bên đường gần như bị san phẳng, còn chăng cũng chỉ là bộ sườn nằm xiêu vẹo.
Con đường chạy dọc bờ biển Cửa Đại mới xây dựng, vài ngày trước còn sạch bóng, không hạt cát, lá cây, mà sáng nay nhiều đoạn bị cát chôn vùi dày hai, ba chục cm.
Tôi rẽ vào UBND phường Cửa Đại, không một ai có thể thông báo vài con số thiệt hại ban đầu. “Tất cả các anh, các chị xuống Phước Hải, Phước Sơn hết rồi” - giọng một người đàn ông đặc quánh tiếng Quảng nói vội với tôi trước khi leo lên xe vù về phía cửa biển. Dù không thật rõ, nhưng tôi hiểu ý người đàn ông kia nói gì. Tôi xăn quần rồi cuốc bộ vào con hẻm nhỏ - nơi từng tốp chiến sỹ bộ đội khoác áo vàng đang rầm rập bước đi.
Sáng qua, Phước Hải, Phước Sơn như chìm trong biển nước, như một phố đồ cổ ngổn ngang. Hàng trăm người dân, dưới sự giúp sức của bộ đội biên phòng, dân quân, đã có mặt bên mép biển Cửa Đại. Đã có một trận "hò kéo tàu" ở Phước Hải, Phước Sơn mà nhịp hò của nó chẳng thua gì nhịp hò kéo pháo. Tiếng hò kéo tàu vang cả một đoạn bờ Cửa Đại hàng trăm mét.
|
Ông Nguyễn Kim, tổ 7, Phước Hòa không tin nổi mắt mình. “Thuyền của tôi chủ yếu là đánh lộng, ra biển thường xuyên. Cả gia đình tôi sống nhờ vào nó đấy. Nghe tin bão mạnh tôi đã chủ động đưa thuyền về neo đậu chắc chắn. Nhưng tôi không ngờ cơn bão số 6 mạnh đến vậy, giờ nó thành những miếng ván gãy ngang, dọc. Tàu của tui nhỏ nhất ở đây nhưng thiệt hại tôi tính ít nhất cũng từ 65 đến 70 chục triệu đồng. Mất tàu rồi nhưng được trên quan tâm, được làng xóm đùm bọc kéo xác tàu lên tôi đỡ buồn hơn”.
Một đồng nghiệp xứ Quảng nhẩm tính, hơn 30 chiếc thuyền lớn của phường Cửa Đại bị chìm được vớt trong sáng 2/10 cũng có nghĩa là có thêm 30 chủ tàu có tâm trạng như ông Kim.
Tan tác ngày về
Ở Cửa Đại, sau tàu thuyền, nhà cửa là tài sản tiếp theo phải đương đầu với gió bão. Khó có thể tính hết bao nhiêu ngôi nhà ở nơi này không còn nguyên vẹn.
Ngôi nhà của gia đình chị Huỳnh Thị Phương, anh Nguyễn Hoà như một đống gỗ tạp. Những cột nhà nằm trơ trọi bên cạnh những mái tôn lợp ngổn ngang, rách nát. Lúa gạo - thứ mà hai vợ chồng đã cố công cất giữ trước khi đi trú bão - cũng bị ướt trũng hoàn toàn.
Lúc trở về nhà chị Phương tưởng đồ đạc nằm dưới đống đổ nát kia, nên cả buổi chiều hai vợ chồng lục lọi, tìm kiếm. Nhưng đồ dùng đâu không thấy, chỉ thấy toàn ván, ni lông và… dây điện. Hóa ra, gió bão đã đánh dập nát nhiều vật dụng, cột nước cao gần chục mét cuốn đi cả xoong, nồi, thậm chí cả những chiếc nhíp đánh răng về với đại dương.
|
Suốt ngày hôm qua, suốt cả đêm dài, chị cùng với chồng phải che tạm mấy tấm gỗ và bạt ni lông để trú. Những lúc mưa chị lại phải đội thêm chiếc nón.
Cuộc sống của gia đình chị Phương vốn đã khó khăn vì 7 miệng ăn, chăm mẹ già, con ăn học từ nay lại càng khốn đốn hơn. Ngày mai dù không có, hai vợ chồng cũng phải vay mượn để sửa sang lại nhà, đóng thêm ghe mới. Đó không phải là chuyện dễ dàng...
Chỉ cách nhà chị Phương vài bước chân, nhà ông Nguyễn Nhân, 60 tuổi cũng bi đát, khốn đốn cực đỉnh. Vợ mới mất được mấy tháng, ông Nhân sống cùng với người con trai. Cả nhà 6 miệng ăn trông chờ vào nghề đi biển của hai cha con. Vậy mà…
Lúc bão số 6 đổ bộ vào, phụ nữ và mấy cháu nhỏ đi tránh bão còn hai cha con ở lại chống chọi với hung thần để cố cứu lấy cái nhà. Nhưng tất cả đành bất lực trước sức gió kinh hoàng. Chỉ vài chục phút ngôi nhà cấp 4 của ông bị tốc mái hoàn toàn. Đồ đạc, vật dụng hư hỏng nặng, lúa gạo ướt sũng. Chiếc ghe ngoài sông bị sóng gió đánh chìm, khi vớt lên cũng vỡ tan tành.
Sau bão, cả nhà ông Nhân nhịn ăn sáng. Bữa cơm trưa chỉ có cơm trắng chan với xì dầu. Ông Nhân nói với tôi, hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất này, hơn 40 năm lênh đênh mưu sinh trên biển, lần đầu tiên ông chứng kiến cơn bão kinh hoàng này, và cũng là lần đầu tiên cả gia đình phải rơi vào khốn đốn.
|
Lời nhắn từ tâm lũ
Chiều xuống, trước khi rời Hội An tôi nghe tin dữ, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến mực nước các sông Thu Bồn, sông Cửa Đại ôm lấy Hội An lên đến đỉnh cột số 3. Tôi cùng một chiến sỹ Đồn biên phòng 290 ghé qua một số địa điểm thị xã Hội An. Cây cầu Tư dài vài trăm mét bắc qua một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn nối Trung tâm thị xã với “xã đảo” Cẩm Kim đã bị nước lũ đánh sập hoàn toàn. Nước lũ bạc màu đang cuồn cuộn đổ về cuốn theo nhiều cây cối.
|
Tôi lại nhớ, trong buổi sáng dù không ghi hình, không viết giấy nhưng trong tôi vẫn còn in nguyên những nỗi niềm từ hàng ngàn ngôi nhà tan nát. Người dân phường Cửa Đại, Hội An mong nay mai trời yên biển lặng họ lại được ra khơi; mong những mái nhà của họ sớm không còn cảnh thấy trời, chạm đất; mong con cháu của họ sớm được đến trường chứ không phải ở nhà vui đùa với với mấy vũng nước…
Văn Dũng