Hộ dân nhận hóa đơn 57 triệu đồng nói lý do từ chối kiểm định đồng hồ nước
(Dân trí) - Theo chủ căn nhà, khi biết kiểm định đồng hồ không tìm ra nguyên nhân lượng nước tăng bất thường và đồng nghĩa việc phải trả 57 triệu đồng, ông chuyển sang yêu cầu giám định.
Ngày 24/8, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi), chủ căn nhà ở hẻm 490 Lê Văn Sỹ (quận 3) cho biết, gia đình ông vừa bổ sung hồ sơ gửi lên TAND quận 3 kiện Công ty CP Cấp nước Gia Định vụ hóa đơn nước tăng bất thường hơn 57 triệu đồng.
Sau buổi làm việc ngày 15/8, đến nay phía cấp nước vẫn chưa có động thái cử nhân viên kỹ thuật đến gia đình ông kiểm tra lại hệ thống nước và trả lời bằng văn bản như hứa hẹn.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM chiều 8/8, Công ty CP Cấp nước Gia Định cho biết, vào ngày 26/2, khách hàng trên đề nghị kiểm định đồng hồ nước. Tại cuộc gặp lãnh đạo công ty ngày 18/3, khách hàng trên yêu cầu không thực hiện kiểm định đồng hồ nước, đề nghị được giám định đồng hồ nước.
Liên quan chuyện thay đổi đột ngột kiểm định, ông Huy cho biết, ngày 26/2, trong buổi làm việc với công ty cấp nước, ông trình bày và đưa ra những luận điểm chứng minh không có chuyện thất thoát nước trong nhà, khả năng đồng hồ bị sai số.
Ông yêu cầu phía công ty kiểm tra đồng hồ và toàn bộ hệ thống nước gia đình để làm rõ nguyên nhân. Lúc này, đại diện công ty đặt vấn đề hỏi "anh muốn kiểm định đồng hồ đúng không?"
"Lúc đó tôi không biết kiểm định đồng hồ là gì, quy trình kiểm định ra sao. Tôi cứ nghĩ việc kiểm định sẽ nắm được nguyên nhân lượng nước tăng bất thường nên đồng ý", ông Huy nói.
Chủ căn nhà cho biết, sau buổi làm việc hôm đó, ông tham khảo ý kiến một số người từng có lượng nước sinh hoạt tăng bất thường và hiểu được kiểm định đồng hồ sẽ không tìm ra nguyên nhân, đồng nghĩa gia chủ phải đóng tiền. Tại buổi làm việc sau, ông không đồng ý kiểm định đồng hồ mà yêu cầu giám định toàn bộ hệ thống nước.
"Kiểm định sẽ không trả lời được câu hỏi không khí qua đồng hồ có làm kim quay hay không?", ông Huy nói.
Theo chủ nhà, nếu hơn 3.000m3 nước trên thất thoát trong 2 tháng, tức một ngày gia đình ông phải sử dụng 50m3 hay trung bình 2m3/giờ. Tuy nhiên, khi ông dùng thiết bị đo lượng nước đầu vào ở tầng trệt, chưa bao giờ quá 1,2m3/giờ và ở nóc tầng thượng tối đa là 0,8m3/giờ.
Ông giả định lượng nước tràn ra ngoài 2m3/giờ, chảy liên tục suốt 60 ngày mà gia đình ông và hàng xóm không ai phát hiện là điều kỳ lạ.
Về việc kiểm định và giám định đồng hồ nước về mặt kỹ thuật khác nhau thế nào, một chuyên gia của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở TPHCM cho biết, kiểm định liên quan đến đo lường, còn giám định liên quan đến kỹ thuật, an toàn, chất lượng.
Trường hợp đồng hồ nước bị sai số sẽ được kiểm định về đo lường. Đồng hồ có an toàn hay không thì giám định về chất lượng. Kiểm định đồng hồ nước chỉ biết được loại máy này có đạt sai số cho phép hay không, nếu sai số bất thường sẽ phụ thuộc thêm nhiều yếu tố khác. Kiểm định chỉ liên quan đến riêng bản thân đồng hồ.
Ví dụ, đồng hồ nước lắp trong nhà sai số bất thường, ngoài yếu tố liên quan đến đồng hồ, sai số có thể liên quan đến toàn hệ thống nước. Nếu trong đường ống có khí thổi qua khiến kim đồng hồ quay bất thường, kiểm định riêng bản thân đồng hồ không thể nào biết được. Phải kiểm tra, đánh giá đúng thực tế cả hệ thống nước mới biết được. Đồng hồ chỉ là một yếu tố trong đó.
"Giám định là một từ chung chung. Khi cần xác định vấn đề nào đó liên quan đến yêu cầu của cơ quan Nhà nước, đương sự đề nghị một đơn vị độc lập đến lấy mẫu phân tích gọi là giám định", vị này nói.
Vào tháng 2, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.
Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó (20m3) để ra hóa đơn và tính toán lại sau.
Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên (hơn 3.000m3), ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông cho rằng đồng hồ nước có vấn đề.