DNews

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có thể làm gì?

An Huy

(Dân trí) - "Hội chỉ có chức năng hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp; kiến nghị vụ việc đến cơ quan Nhà nước với trường hợp đại trà, tức nhiều người cùng bị ảnh hưởng", bà Phan Thị Việt Thu nói.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có thể làm gì?

Sau khi nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng (tương đương 3.355m3), ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3) đã gửi đơn khiếu nại Công ty CP Cấp nước Gia Định lên Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM nhờ giải quyết.

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng đã lần lượt gửi 3 thư mời, mời đại diện Công ty CP Cấp nước Gia Định lên hòa giải với khách hàng nhưng không nhận được phản hồi.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Hội Bảo vệ Người tiêu dùng và luật sư để làm rõ vai trò, chức năng của hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng khi xảy ra những vấn đề tranh chấp.

Hòa giải và kiến nghị

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, cho biết hội chỉ là hội của quần chúng nhân dân. Pháp luật giao cho hội chức năng gì, hội chỉ làm được chức năng đó. Ngoài ra, hội không làm được gì hơn vì không phải là cơ quan Nhà nước.

Hội có chức năng hòa giải giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu hòa giải không thành, bước cuối cùng hội có thể làm là hướng dẫn người dân làm thủ tục kiện vụ việc ra tòa án.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có thể làm gì? - 1

Ông Huy cho rằng gia đình ông không thể nào xài hết 3.355m3 nước trong 1-2 tháng (Ảnh: An Huy).

Đồng thời, hội có chức năng kiến nghị với cơ quan Nhà nước về những sai phạm của doanh nghiệp. Trường hợp kiến nghị phải là đại trà, tức một vụ mà đông người bị thiệt hại. Những trường hợp cá nhân lẻ tẻ, hội sẽ không kiến nghị lên cơ quan Nhà nước.

"Nhà nước chỉ cho hội quyền hạn hòa giải và kiến nghị. Những vụ việc cá nhân, hai bên không thể giải quyết với nhau được, hội sẽ hướng dẫn khách hàng chi tiết các thủ tục kiện doanh nghiệp ra tòa", bà Thu nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, đến nay phía Công ty CP Cấp nước Gia Định đã gửi văn bản phúc đáp đến hội, chứ không đến hòa giải như thư mời.

"Nếu phía cấp nước đồng ý hợp tác đến hòa giải, tôi là người đứng giữa sẽ biết bên nào đúng, bên nào sai. Họ không hợp tác mà nói tự làm việc với khách hàng, tôi cũng đâu làm gì được", bà Thu nói.

Quyền hạn của hội

Luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, tổ chức xã hội thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội thì được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam có thể kể đến như: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam ở trung ương và các Hội Bảo vệ Người tiêu dùng ở địa phương.

Để phù hợp với nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, Điều 50 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hoạt động của mọi tổ chức xã hội gồm: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có thể làm gì? - 2

Ông Huy bên cạnh bồn nước 1m3 của gia đình trên sân thượng (Ảnh: An Huy).

Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan; Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.

Đồng thời, độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; Phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; Thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình.

Ngoài ra, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có chức năng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật; Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng.

Kiện thay người tiêu dùng

Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, trường hợp bị đối phương không hợp tác, từ chối làm việc, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Hội cũng có chức năng đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 2 Điều 50 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, Hội bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM còn có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng có thể làm gì? - 3

Ông Huy tại khu vực sân thượng có máy nước nóng năng lượng mặt trời của gia đình (Ảnh: An Huy).

Bên cạnh đó, luật sư Ngô Quý Linh, Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang, cho biết Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cũng có thể vận dụng các quy định về quyền hạn của mình được quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 50 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 để đại diện cho người dân bị thiệt hại khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, hội có thể vận dụng quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 50 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 để tự mình khởi kiện nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trong vụ việc này nói riêng và lợi ích công cộng nói chung.

Vào tháng 2, ông Nguyễn Quốc Huy tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng.

Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó (20m3) để ra hóa đơn và tính toán lại sau.

Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên (hơn 3.000m3), ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho rằng, phía cấp nước nhận định 3.355m3 nước trên thất thoát trong 2 tháng, tức một ngày gia đình ông Huy phải sử dụng 50m3 hay trung bình 2m3/giờ. Tuy nhiên, khi ông dùng thiết bị đo lượng nước đầu vào ở tầng trệt chưa bao giờ quá 1,2m3/giờ và ở nóc tầng thượng tối đa là 0,8m3/giờ. Ông giả định lượng nước tràn ra ngoài 2m3/giờ, chảy liên tục suốt 60 ngày mà gia đình ông và hàng xóm không ai phát hiện là điều kỳ lạ.

Sau khi cung cấp các số liệu trên, ông yêu cầu phía công ty mời các vị chuyên gia đến kiểm tra, đo chỉ số nước đầu vào chứng minh lại cách ông Huy đã làm, nhưng không hề được quan tâm. Sau khi nhờ Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM vào cuộc không thành, gia đình ông Huy đã gửi đơn kiện Công ty CP Cấp nước Gia Định ra TAND quận 3.