1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiện tượng Võ Văn Kiệt

Sài Gòn ngày hôm ấy mưa dầm, như nỗi thảng thốt của nhiều người dân, vốn đã quen đón chào ông suốt mấy mươi năm nay trong hình ảnh nụ cười tươi mới hy vọng.

Trong truyền thống văn hoá chính trị Việt Nam, nhiều lớp cán bộ, nhất là thế hệ cán bộ, thanh niên trưởng thành trong cuộc chuyển giao vĩ đại của một đất nước từ chiến tranh sang hoà bình, từ bao cấp sang đổi mới, gọi ông trìu mến: chú Sáu, chú Sáu Dân. Còn người dân trong cả nước gọi ông đơn giản hơn, nhưng bằng thái độ tôn xưng: Ông Kiệt. Cách xưng gọi ấy cũng nói lên một phần tình cảm của phần đông dân chúng và cán bộ đối với vị cựu Thủ tướng nổi tiếng không chỉ trong nước này.

 

Quả thật, hiếm có nhà lãnh đạo nào ở lâu trong niềm tin của người dân trên mỗi vị trí công tác của mình như ông.

 

Từ ông bí thư khu uỷ trong chiến tranh, ông “chủ tịch gạo” thời bao cấp, ông bí thư “bung ra”, đến ông Thủ tướng điện, ông Thủ tướng miệng nói tay làm. Cả khi ông đã về hưu, người ta vẫn chờ đợi ông xuất hiện cùng những bài viết kiến giải, phản biện, tâm huyết, sâu sắc về nhiều vấn đề nóng bỏng, gai góc. Ở vị trí nào ông cũng được ghi nhận như là một con người hành động, chân thành, quyết liệt. Hơn thế, con người hành động ấy còn như hình mẫu của ý chí tiến công, đột phá.

 

Cũng hiếm có nhà lãnh đạo đương đại nào như ông, cuộc đời cách mạng dài hơn 60 năm luôn được tham dự vào hầu hết những bước ngoặt lịch sử của đất nước, được trải nghiệm, học hỏi với nhân vật kiệt xuất của dân tộc.

 

Ông vào Đảng do chính bí thư Xứ uỷ Tạ Uyên kết nạp, trực tiếp tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa. Ông tham gia chỉ đạo cướp chính quyền ở Rạch Giá thời Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp tại khu vực Tây Nam bộ, hết Rạch Giá rồi Bạc Liêu. Ông là một đại biểu trẻ của Nam bộ vượt Trường Sơn ra chiến khu Việt Bắc tham gia Đại hội II của Đảng, được gặp Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng.

 

Những năm cuối thập kỷ 50, khi nhà lãnh đạo cách mạng miền Nam Lê Duẩn được rút về Trung ương, chính ông Lê Duẩn là người chọn ông để điều động từ miền Tây về làm bí thư thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Và ông đã ở đó, đối chọi với đầu não của chính quyền Mỹ và Sài Gòn suốt 12 năm.

 

Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đích thân ông phụ trách bộ chỉ huy tiền phương nam Sài Gòn. Rồi ông trở lại chiến trường miền Tây Nam bộ, chỉ đạo cuộc kháng chiến đánh bại âm mưu phá hoại hiệp định Paris. Sau đó, ông được điều động về đầu não của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước ở miền Nam, trực tiếp xây dựng kế hoạch tiếp quản Sài Gòn.

 

Hoà bình lập lại, ông là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TPHCM rồi Bí thư Thành uỷ TPHCM, đối mặt trực tiếp với những khó khăn sau chiến tranh và cả những sai lầm trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội thời đó. Đổi Mới, ông là một trong những tác giả, từ là nhà lãnh đạo địa phương “cởi trói”, “bung ra”, đến người điều hành Chính phủ, đã cùng tập thể lãnh đạo cao nhất đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, bình thường hoá quan hệ với các nước, hội nhập ASEAN, mở ra tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, định hướng con đường đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

Ngay cả khi về hưu, ông được biết đến không chỉ với vai trò của một trong những kiến trúc sư chủ chốt của đổi mới và hiện đại hoá ở Việt Nam mà còn là một lãnh đạo lão thành có uy tín, có sức thuyết phục trong khu vực và trên trường quốc tế.

 

Hơn 30 năm là một nhà lãnh đạo trực tiếp điều hành kinh tế xã hội của TPHCM và cả nước, tên tuổi ông gắn liền với những công trình có ý nghĩa then chốt đối với công cuộc phát triển khắp đất nước. Mà hầu như công trình nào cũng mang dấu ấn tính cách của ông, đột phá quyết liệt.

 

Sau hoà bình lập lại, TPHCM và miền Nam mới vừa “bung ra” sản xuất đã gặp tình cảnh thiếu điện trầm trọng. Có người nghe ông quyết định xây dựng nhà máy thuỷ điện Trị An, nói ông biết gì về thuỷ điện mà làm. Ông đi hỏi và nghe giới chuyên môn về thuỷ điện. Thiếu nguồn lực, ông huy động tổng lực đóng góp của nhân dân thành phố và bà con đồng bằng. Thuỷ điện Trị An lúc đó, vì vậy, là một công trình kỷ lục về thời gian thi công, cứu nguy cho công nghiệp thành phố, góp phần điện khí hoá nhiều khu vực nông thôn Nam bộ.

 

Cũng với cách quyết liệt như vậy, ông đã chỉ đạo để trong nước xây dựng công trình đường điện 500KV, một công trình mà cả khi đã khởi công, hãy còn rất nhiều ý kiến không tin tưởng vào năng lực của đội ngũ kỹ thuật, cũng như khả năng huy động tài lực trong nước.

 

Không phải ngẫu nhiên mà có nhà báo gọi ông là ông Thủ tướng điện. Những công trình điện năng lớn như Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau… đều có dấu chân khai mở và đốc thúc trực tiếp của ông. Theo cách đó ông cũng lại là ông Thủ tướng cầu đường với hàng loạt công trình xa lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, cầu Mỹ Thuận, đường Trường Sơn công nghiệp hoá… Cũng vậy, đích thân ông là người cùng các nhà khoa học đi tìm “cửa sổ” thoát nghèo cho miền Trung với các dự án lớn: cảng Dung Quất, khu công nghiệp lọc hoá dầu Dung Quất.

 

Đồng bằng sông Cửu Long ngập lũ, ông đưa ra phương hướng tổ chức sống chung với lũ. TPHCM sau chiến tranh bị bom đạn huỷ diệt màu xanh, ông là người khởi xướng khôi phục lại rừng Cần Giờ, Củ Chi. Tên tuổi ông cũng gắn liền với nhiều chiến lược phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo đảm an ninh lương thực ngay khi nước ta đã thành một quốc gia xuất khẩu gạo…

 

Ông nổi tiếng ở khả năng tổ chức hành động trong việc trả lại đê cho Hà Nội, khi mà trên con đê hàng ngàn đời chống lũ cho thủ đô đã bị xây dựng, xâm chiếm trái phép nặng nề. Trong một cái tết âm lịch, ông tổ chức cho toàn xã hội dẹp bỏ tập quán đốt pháo đã có từ ngàn đời vì yêu cầu văn minh, an toàn của xã hội hiện đại.

 

Từ hơn 25 năm trước, cố nhà báo nổi tiếng Thép Mới đã từng nói về ông như một hiện tượng. Tự bản thân cuộc đời ông đã là một hiện tượng không khỏi làm cho người ta thấy kỳ lạ.

 

Trước khi trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, như sau này ông tâm sự, ông chỉ thực sự muốn tìm một nghề tự do như hớt tóc, lơ xe, để thoát khỏi tình cảnh mà ông gọi là cá chậu, chim lồng, cột chặt đời mình trong tình cảnh làm thuê, làm mướn, bó hẹp trong thửa ruộng, vuông nhà.

 

Cách mạng đến với ông là một chân trời tự do mới mẻ, rộng mở để cậu thiếu niên ở đợ, nhà nghèo, ít học có thể theo đuổi suốt đời và trở thành nổi một vị Thủ tướng giàu bản lĩnh, nhiều đột phá. Ý chí vươn tới tự do, tiến bộ là một năng lượng của cuộc đời ông, cũng là năng lượng chung của dân tộc, từ hết cuộc Cách mạng mùa Thu, đến cuộc kháng chiến trường kỳ, rồi công cuộc đổi mới, hội nhập.

 

Hiện tượng Võ Văn Kiệt có thể nói đã nảy nở và được nuôi dưỡng bằng chính khát khao cháy bỏng đó.

 

Theo Tâm Chánh

Sài Gòn tiếp thị