1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Báo chí thế giới ca ngợi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

(Dân trí) - Báo chí thế giới đã đồng loạt có những bài viết về nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, người được đánh giá là nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới, sau khi ông qua đời ở tuổi 86.

Hãng thông tấn Reuters đề cao nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một động lực lớn đằng sau công cuộc cải cách kinh tế tại Việt Nam.

 

Ông Kiệt, người giữ chức Thủ tướng Chính phủ khóa 1991-1997, đã lãnh đạo công cuộc cải cách kinh tế đất nước theo định hướng thị trường vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90.

 

Hãng thông tấn BBC viết, với cương vị Thủ tướng từ năm 1991-1997, ông Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam khởi xướng thời kỳ “Đổi mới”, đưa đất nước thành một trong những nền kinh tế thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

  

Tờ International Herald Tribune đã đăng tải bài viết ca ngợi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ủng hộ chính sách tự do hóa kinh tế và đưa Việt Nam tới thị trường tự do.

 

Sau khi rời nhiệm sở năm 1997, ông Kiệt vẫn tích cực tham gia các bài diễn thuyết chính trị, trả lời phỏng vấn, viết các bài bình luận và thúc đẩy hơn nữa sự tự do hóa kinh tế, kể cả khi Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đạt được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5% kể từ năm 2000.

 

Ông Kiệt cũng là người ủng hộ tích cực việc các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò lớn hơn và quan trọng hơn tại Việt Nam.

 

International Herald Tribune dẫn lời chuyên gia Carl Thayer, nhà phân tích lâu năm về các vấn đề kinh tế và chính trị của Việt Nam: “Việt Nam sẽ không dễ quên một kỹ sư của công cuộc “Đổi mới” và người luôn hối thúc chính phủ hiện thời tiếp tục công cuộc đổi mới mà ông là một trong những người đã khởi xướng”.

 

Hãng tthông tấn AFP đánh giá nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã đưa đất nước qua các cải cách kinh tế quan trọng và thay đổi chính sách ngoại giao. Nhà sử học Việt Nam Dương Trung Quốc đã gọi ông Kiệt là “nhà lãnh đạo hiếm có tại Việt Nam, người đã chứng kiến các mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Ông là người kiên định và vững vàng và đã trở thành nhà phê bình tin cậy lúc về hưu”.

 

Nhà ngoại giao Thụy Điển Marie-Louise Thaning nhận định, ông Kiệt là "một nhà lãnh đạo kinh nghiệm và cởi mở của Việt Nam. Để đất nước được như ngày hôm nay Việt Nam phải cảm ơn Võ Văn Kiệt rất nhiều”.

 

Tờ Earthtimes trích dẫn thư chia buồn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: “Dưới sự lãnh đạo của ông Kiệt, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng chú ý là việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia thành lập Tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM) vào năm 1996 với tư cách là thành viên sáng lập”.

 

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người đã đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 1995.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gửi lời chia buồn với chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt trên cương vị Thủ tướng Việt Nam từ năm 1991 đến 1997 đã đem lại thành quả là những cải cách giúp cải thiện đời sống của hàng chục triệu người Việt Nam. Các nỗ lực của ông đã giúp mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 1995”.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự thương tiếc của ông trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.

 

Ông Ban nói trong một tuyên bố: “Là động lực chính sau cuộc cải cách kinh tế tại Việt Nam bắt đầu vào những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ nghèo đói sang một thập kỷ phát triển kinh tế ấn tượng”.

 

“Trong thời kỳ làm thủ tướng, ông Kiệt cũng đóng một vai trò nòng cốt trong việc phát triển quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước khác”.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chính phủ và nhân dân Việt Nam.

 

VTH

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm