Hành trình vượt biên sinh tử đến “miền đất hứa”
(Dân trí) - Sau nhiều lần cố gắng vượt biên từ Pháp sang Anh bất thành, anh Nguyễn Xuân Hoa (quê Hà Tĩnh) tiếp tục chi thêm tiền cho đường dây môi giới đi con đường “VIP” để sang được đất nước Anh với niềm hy vọng có thể đổi đời.
Đi "cỏ" và đi "VIP"
Thông qua một người bạn giới thiệu, chúng tôi đã kết nối được với anh Nguyễn Xuân Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau nhiều lần được chúng tôi thuyết phục, anh Hoa đã đồng ý gặp và chia sẻ câu chuyện về hành trình vượt biên sang “thiên đường” của mình.
Anh Hoa cho biết, thông qua những mối quan hệ bạn bè, từ đầu năm 2015 anh vào TP Hồ Chí Minh gặp người môi giới để làm thủ tục sang Anh theo con đường lao động chui.
Đến giữa năm 2015, anh Hoa bắt đầu xuất phát từ Hà Nội sang Nga. Từ Nga anh Hoa tiếp tục di chuyển bằng ô tô qua Pháp.
Để di chuyển được từ Pháp sang Anh qua đường hầm xuyên eo biển Manche có 2 con đường: một là đi "cỏ" (lén lút tự chui vào các container chở hàng); hai là đi theo dạng “VIP” tức là ngồi sau cabin ô tô và tài xế biết sự tồn tại của mình trên xe.
Cũng theo anh Hoa thì việc di chuyển bằng đường “cỏ” hết sức nguy hiểm và nhiều rủi ro.
“Hàng chục người chui vào thùng container tại một bãi tập kết rất rộng cách cảng biển Calais khoảng 80km rồi họ sẽ khóa kín lại”, anh Hoa nhớ lại.
Cũng theo anh Hoa thì lúc đến cầu cảng, các cơ quan chức năng tại đây kiểm soát rất chặt chẽ, ngoài con người còn có chó nghiệp vụ, máy quét tầm nhiệt nên tất cả mọi người khi vào container đều phải vứt bỏ giấy tờ tùy thân, chỉ đem theo chiếc điện thoại “cục gạch” đã tháo sim để tránh bị phát hiện.
“Lúc đầu mình đi theo dạng "cỏ" để di chuyển từ Pháp sang Anh nhưng liên tiếp bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ. Sau nhiều lần không thành công, mình đã chi thêm tiền khoảng hơn 300 triệu đồng để đi đường "VIP" từ Pháp sang Anh bằng cách ngồi sau cabin ô tô”, anh Hoa cho biết.
Anh Hoa kể, khi đến gần cảng Calais sẽ có người hướng dẫn mình lên các cabin ô tô để di chuyển sang Anh.
“Mình đến đó sẽ có người hướng dẫn, sắp xếp mình lên xe nào. Ngồi sau cabin ô tô thì khá an toàn”, anh Hoa cho biết thêm.
Người này cũng cho biết, đường dây môi giới chỉ sắp xếp đưa lao động đến Anh, còn công việc là do lao động tự liên hệ kết nối.
“Mình có nhiều người quen ở Anh. Ở đây lao động người Việt Nam rất nhiều, nhất là ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Mình làm đủ nghề như nail (làm móng), xây dựng… thu nhập cũng tầm hơn 1.000 - 3.000 bảng Anh (từ 30 đến gần 100 triệu đồng/tháng) tùy công việc. Bên đó nhân quyền rất tốt, chỉ có nghề trồng cỏ (thuốc phiện) thì có thu nhập cao hơn nhưng hơi nguy hiểm vì hay có cướp”, anh này chia sẻ thêm.
Sau 3 năm lao động tại Anh, anh Hoa kiếm được một ít vốn về quê làm ăn và quyết định không đi nữa vì thấy quá nguy hiểm.
Sống chui lủi, thậm chí phải bỏ mạng
Anh Nguyễn Văn Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi), trú ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, dù đã về nước gần 13 năm nay nhưng vẫn không thể nào quên hành trình đưa anh đến “miền đất hứa” xa xôi.
Anh Tuấn cho biết, vào những năm 2000, ở địa phương có nhiều người đi châu Âu làm ăn và giàu lên nhanh chóng. Ước vọng đổi đời nên đến năm 2003, anh quyết định vay mượn tiền để sang Đức lao động.
Để đến được Đức, trước tiên anh Tuấn phải đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước nữa.
Hành trình này đều có người môi giới dẫn đường, đưa đi nhưng luôn phải chịu cảnh sống chui lủi, trốn tránh lực lượng chức năng và thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người. Sau nhiều tháng trời, anh Tuấn mới đến được Đức.
Sau một thời gian làm việc tại Đức, anh Tuấn quyết định cùng bạn bè sang Anh để có thu nhập cao hơn.
Theo anh Tuấn, muốn sang được Anh, thì tất cả các lao động chui đều phải đi qua eo biển Manche thông qua cảng Calais của Pháp.
“Để từ cảng Calais sang Anh có 2 đường, một là bằng đường “cỏ”, hai là đường “VIP”. Sau khi suy xét thiệt hơn, tôi chọn cách đi "VIP" với tổng chi phí là 8.000 euro”, anh Tuấn nhớ lại.
Vì cuộc mưu sinh quá vất vả và nguy hiểm nên sau 3 năm làm việc kiếm được ít tiền vốn, anh Tuấn đã trở về quê để lập nghiệp.
“Ở bên Anh thu nhập sẽ cao hơn bên mình nhiều lần nhưng đi đôi với đó là những khó khăn, rủi ro nên tôi quyết định về nước sau 3 năm làm việc”, anh Tuấn chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc nhiều gia đình tại Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân đi sang Anh, đến thời điểm này đã có ít nhất 10 gia đình trình báo.
Phía Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành lấy mẫu tóc, mẫu máu của người trình báo để so sánh ADN với các nạn nhân trong vụ 39 thi thể trong container tại Anh.
Xuân Sinh