1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hai hướng nhìn “xung khắc” về Vinashin

(Dân trí) - Trong khi một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước vụ việc tại Vinashin và đề nghị xem xét việc điều tra về trách nhiệm liên quan, một số đại biểu khác lại nhìn nhận tình hình không đến mức “u ám” hoặc “ghê gớm quá”…

Hai hướng nhìn “xung khắc” về Vinashin - 1
Đại biểu Trần Bá Thiều: Vinashin không u ám và thất vọng như một số phát biểu
 
Tại buổi thảo luận của Quốc hội về Ngân sách nhà nước sáng 3/11, đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng) cho hay, địa bàn Hải Phòng chiếm tới 60% giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Vinashin và hàng năm Vinashin đóng góp khoảng 15% - 20% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố cảng này.

Theo ông Thành, qua rà soát, cuộc khủng hoảng kinh tế của Tập đoàn Vinashin có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của địa phương, nhưng không đến mức “ghê gớm quá” như một số thông tin đã đưa.

Theo đó, năm 2008 - 2009 Vinashin đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hải Phòng, năm nay dự kiến còn 12%. “Như vậy giá trị sản xuất công nghiệp của Vinashin ảnh hưởng tới giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hải Phòng không phải là lớn lắm”, ông Thành đánh giá.

Thêm nữa, từ con số tổng giá trị tài sản của Vinashin hiện nay theo báo cáo của Bộ Tài chính là 104 nghìn tỷ đồng, nợ vay là 86 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8 nghìn tỷ đồng, ông Thành cho rằng, tài sản của Vinashin hiện có vẫn lớn hơn so với nguồn vốn vay chứ “không phải đây là món nợ, đây là món thất thoát”.

Chưa hết, theo đại biểu này, ngoài một số tài sản Vinashin vay chưa phát huy được hiệu quả hoặc phát huy hiệu quả thấp, ví dụ như tàu Hoa Sen, qua khảo sát của địa phương đối với các nhà máy đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng cho thấy, “thiết bị đầu tư của Vinashin rất hiện đại, với công nghệ tiên tiến đáp ứng được yêu cầu sản xuất chế tạo cả động cơ, cả tàu tới 100 nghìn tấn”.

Trước  đó, trong buổi thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 2/11, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) dù thừa nhận vụ sai phạm ở Vinashin rất nghiêm trọng và là một bài học rất đắt giá trong quá trình tìm tòi và thử nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế của đất nước, nhưng theo đại biểu này, hiện nay, Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát.

“Hiện nay tại Vinashin, nhiều con tàu vẫn đang xuất xưởng, vẫn đang được đóng mới, còn sai phạm thì ta xử lý hết sức nghiêm túc, chứ không phải Vinashin u ám và thất vọng như một số đại biểu phát biểu.”, ông Thiều nói.

Ngược với quan điểm đó, trong buổi thảo luận sáng 3/11 về ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, ông vẫn “nửa tin, nửa ngờ” với những tin vui được một số đại biểu công bố và băn khoăn về lãi từ việc bán những con tàu đóng mới.
 
Hai hướng nhìn “xung khắc” về Vinashin - 2
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Làm ăn như Vinashin thì biết bán cái gì để trả nợ? (Ảnh: Việt Hưng)

“Theo tôi hiểu trong công nghệ đóng tầu thì ta chủ yếu lắp ráp thôi, cũng không khác ngành chế tạo ô tô, xe máy là mấy. Lấy công làm lãi như vậy thì có đủ trả lương cho mấy chục nghìn cán bộ, công nhân không?”, ông Thuyết phân tích.

Chuyển sang vấn đề vốn nằm trong tài sản, đại biểu Thuyết ví von: “Tôi thấy chuyện này giống như chuyện một anh được vợ cấp vốn đi buôn, mới khuân về được mấy máy second hand (đồ cũ - PV) thì hết sạch vốn, vợ hỏi: có ai đi buôn, mất sạch vốn lại còn nợ nần chồng chất như ông không? thì hồn nhiên trả lời: vốn làm được cái nhà mình đang sống, vốn ở mấy cái máy cũ nát kia. Cả nước làm ăn như Vinashin thì rồi đây biết bán cái gì để trả nợ”.

Trước đó, trong buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, sáng 2/11, đại biểu Thuyết cho rằng, Vinashin suy sụp đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ trên dưới 100.000 tỷ đồng, bằng một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng/một năm, phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm gì một thế kỷ mới trả nợ được. Ông Thuyết đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập UB lâm thời điều tra trách nhiệm vụ Vinashin.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) trong phát biểu sau đó cũng ủng hộ đề xuất thành lập UB lâm thời điều tra trách nhiệm. Theo ông Cuông tính toán, mỗi người dân Việt  Nam kể cả giàu, nghèo đều phải gánh chịu 1,5 triệu đồng do món nợ Vinashin gây ra.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho biết, ông không đồng ý quan điểm đổ lỗi cho Chính phủ và đề nghị Quốc hội nên hòa vào trách nhiệm chung của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Đào cho rằng, Chính phủ cần phải rà soát lại một cách nghiêm túc nhất tất cả các tập đoàn và rà soát lại tư cách tất cả những người đứng đầu các tập đoàn để “họ thấy được họ dùng vốn, dùng ngân sách, thuế của nhân dân, tài sản, mồ hôi nước mắt của nhân dân chứ không phải họ tự tung, tự tác như hiện nay”.

 
Cấn Cường