1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự án bô-xít Tây Nguyên:

Đề nghị tạo điều kiện cho các chuyên gia khảo sát để góp ý thêm

(Dân trí) - Sau sự cố vỡ bùn đỏ ở Hungary, báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội, Chính phủ ngày 6/11, đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, đã thống nhất bổ sung thiết kế an toàn cho dự án bô-xít, đặc biệt là hồ chứa bùn đỏ.

Đề nghị tạo điều kiện cho các chuyên gia khảo sát để góp ý thêm - 1
Khu vực sẽ trở thành hồ chứa bùn đỏ ở dự án bô-xít Nhôm (Lâm Đồng)
 
Bổ sung thiết kế trước để đảm bảo an toàn cho bùn đỏ
 
Trong 3 ngày (5 - 7/11), ông Đặng Vũ Minh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội đã dẫn đầu đoàn bao gồm cán bộ của Đảng, Quốc hội, các bộ ngành, các viện nghiên cứu và nhà khoa học đến làm việc về dự án Tổ hợp Bôxít Nhôm (Lâm Đồng) và Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắc Knông) tại Tây Nguyên.
 
Chủ đề của đợt khảo sát này tập trung chủ yếu vào tính an toàn về môi trường đối với hồ bùn đỏ. Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng Ban Bôxít- Nhôm (TKV), nhà máy sản xuất alumin thuộc dự án Tổ hợp bô xít - Nhôm Lâm Đồng có thiết kế hồ bùn đỏ gồm 2 hồ, mỗi hồ chứa được chia nhiều khoang với diện tích mỗi khoang khoảng 16ha.
 
Các đập chắn và ngăn các khoang chứa bùn đỏ được thiết kế với hệ số an toàn cao. Thiết kế chống thấm hồ bùn đỏ gồm: dưới cùng (nền hồ) là lớp á sét dày 250 mm, trên là 2 lớp vải địa kỹ thuật (mật độ vải 400g/m2), giữa 2 lớp vải này có lớp màng chống thấm bằng polythylene (HDPE) mật độ cao, trên cùng là lớp thoát nước ngầm bằng cát hạt thô dày 60 cm với ống thu hồi nước.
 
Bùn đỏ sau khi thải đầy mỗi khoang được chôn lấp an toàn với việc phủ lớp chống thấm để ngăn bốc hơi từ hồ và nước mưa xuống, lớp đất phủ dày 1m, bên trên trồng cây, cỏ chống sói mòn và đảm bảo cảnh quan khu vực…
 
Báo cáo với đoàn công tác tại hiện trường khu vực hồ chứa bùn đỏ, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết: “Tập đoàn đã bổ sung ngay hệ thống cống có cánh thượng lưu tại điểm cuối cùng thoát nước từ thung lũng dự kiến xây dựng hồ bùn đỏ để dự phòng trường hợp xấu nhất thì chặn bùn đỏ trong thung lũng, không để ra ngoài”.
 
Đề nghị tạo điều kiện cho các chuyên gia khảo sát để góp ý thêm - 2
Hệ thống cống có cánh thượng lưu tại điểm cuối cùng thoát nước từ thung lũng chứa hồ bùn đỏ
 
Ngoài ra, cùng với việc tổ chức Đoàn khảo sát sự cố hồ bùn đỏ tại Hungari để rút kinh nghiệm kịp thời, Bộ Công Thương đã giao cho TKV khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm định lại. Lắp đặt hệ thống báo động khẩn cấp khi có nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập; coi việc bảo vệ đập hồ bùn đỏ như công trình quan trọng quốc gia…
 
Lời đề nghị của GSTS Đặng Vũ Minh
 
Liên quan đến công nghệ xử lý hồ bùn đỏ và ảnh hưởng đối với môi trường, Chủ nhiệm UB KHCN&MT Đặng Vũ Minh đã đặt ra 8 câu hỏi đề nghị được làm rõ như: nguy cơ ô nhiễm nước nước, xảy ra lũ quét, động đất, mức độ an toàn của chân đập, tỷ lệ rắn lỏng trong bùn…
 
Các ý kiến của GS TS Đặng Vũ Minh đã được chủ đầu tư cũng như các nhà khoa học tham gia dự án lần lượt trả lời. Theo đó, các ý kiến được trả lời đều khẳng định công nghệ xử lý hồ bùn đỏ hồ bùn đỏ nói riêng và môi trường nói chung được đảm bảo rất an toàn, các nguy cơ như lũ quét, hồ bùn tràn… đều kiểm soát được.
 
Đề nghị tạo điều kiện cho các chuyên gia khảo sát để góp ý thêm - 3
Đoàn khảo sát đang được nghe chủ đầu tư trình bày về dự án
 

GS TS Đặng Vũ Minh đề nghị Bộ Công Thương, TKV làm việc thêm với các chuyên gia về nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi kinh nghiệm cũng như tạo điều kiện cho họ tiếp cận các tài liệu, thông tin và được khảo sát thực tế dự án để góp ý thêm cho dự án cũng như giải thích cho dư luận.

Cụ thể trả lời câu hỏi của ông Minh, GS-TS Nguyễn Chiến - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi (đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ) khẳng định: Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải cũng đã đề nghị được làm rõ hiệu quả về kinh tế của dự án: “Đây là dự án mà Bộ Chính trị có quyết định làm thí điểm. Vì vậy, đề nghị các đồng chí cần phải tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí để xem có thực sự hiệu quả về kinh tế hay không, có lãi hay không để tính toán cho các dự án sau này”.
 
Về vấn đề này, theo giải trình chủ đầu tư, việc tính toán biến thiên giá thành alumin và giá nhôm trên thị trường thế giới cho 10 - 20 năm sau của nhiều viện nghiên cứu thị trường thế giới đã thể hiện nhu cầu tiêu thụ alumin trên thế giới ngày càng tăng, nguồn cung không đáp ứng cầu. Như vậy, việc sản xuất alumin ở Việt Nam chắc chắn có lãi.
 
Lan Hương