Vinashin như quý tử khi quá nuông chiều…
(Dân trí) - Chính phủ đã dành quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, coi họ như con chính thức, thậm chí còn là quý tử. Con cái mà quá nuông chiều, hư hỏng là điều dễ hiểu, trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ…
Coi vốn là tài sản của trời cho
Trong 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước đã được nhiều đại biểu Quốc hội “mổ xẻ”.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) khẳng định: có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả.
Thứ nhất là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Cách quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện nay làm cho các tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế và tổng ty nhà nước coi vốn nhà nước, tài sản là của trời cho, của thiên hạ và chi tiêu sử dụng thoải mái mà không cần tính toán hiệu quả.
Giống như một bà nội trợ đi chợ bằng tiền của người khác, mua lung tung kể cả những thứ không sài cũng mua. Tình trạng này đã xảy ra tại Vinashin, Thủ tướng đã chỉ đạo không được mua tàu đã qua sử dụng, tàu cũ nhưng Vinashin vẫn mua tàu Hoa Sen, tàu cũ.
"Con cái mà quá nuông chiều sẽ hư hỏng" - Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (ảnh: Việt Hưng)
Thứ hai, Chính phủ đã dành quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, coi doanh nghiệp Nhà nước là con chính thức, thậm chí là con quý tử, trong khi các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân chỉ là con ngoài giá thú, con nuôi. Con cái mà quá nuông chiều, hư hỏng là chuyện bình thường, dễ hiểu, trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ.
Thứ ba, vừa qua Chính phủ đã áp dụng những ràng buộc kinh tế, ngân sách mà các nhà kinh tế gọi là những ràng buộc ngân sách mẹ. Điều này dẫn đến các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã tăng đầu tư quá mức và làm hiệu quả đầu tư thấp…
Dưới góc độ khoa học, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) còn bổ sung thêm những bất cập khác như: trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, việc người đại diện chủ sở hữu vẫn đồng thời là người quản lý hành chính Nhà nước là chưa hợp lý.
Không những vậy, sự không phù hợp và thiếu tính khoa học còn thể hiện ở chỗ quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đã bị cắt khúc ra, Thủ tướng đảm nhiệm một số quyền và nghĩa vụ; Bộ trưởng chuyên ngành đảm nhiệm một số quyền và nghĩa vụ, Hội đồng quản trị cũng vậy…
Một lý do nữa, Bộ trưởng thậm chí đến Thủ tướng hiện được giao và phân định quá nhiều nhiệm vụ mang tính chất kinh doanh và sự vụ doanh nghiệp. “Tôi nghĩ rằng không ai có đủ thời gian, sức lực để đảm nhiệm một khối lượng công việc quá nhiều đến như vậy” - ông Ngoạn nói.
Việc huy động vốn càng trở nên khó khăn
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho biết, vụ việc Vinashin không chỉ gây tác hại nghiêm trọng trong nước mà cả nước ngoài. Sau khi xảy ra vụ Vinashin khả năng huy động vốn của Việt Nam trên thị trường quốc tế càng trở nên khó khăn và tốn kém.
“Đây là thất bại lớn của Chính phủ trong quản lý điều hành các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước” - ông Trừng khẳng định.
Chính vì vậy, theo đề xuất của đại biểu, Chính phủ cần phải tập trung cải cách, quan tâm đặc biệt vấn đề quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, như nhiều nước đã làm rất hiệu quả;
Thực hiện lời cam kết sẽ xóa bỏ mọi ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước nếu không những vụ việc tương tự như Vinashin sẽ xảy ra trong tương lai, đồng thời phải kiên quyết đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh chung.
Trong đó, cần xóa bỏ mọi hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp Nhà nước, không nhận việc trả nợ, xử lý thay cho doanh nghiệp Nhà nước, tính đủ chi phí đối với doanh nghiệp Nhà nước theo giá thị trường…
Trong cơ chế, chính sách, như đã phân tích ở trên, đại biểu Vũ Viết Ngoạn kiến nghị cần tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu. Việc tách chức năng này không làm giảm quyền và quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp song phương thức quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp là thông qua đại diện chủ sở hữu của mình.
Đồng thời, tăng cường thiết chế giám sát và hoạt động giám sát của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt nên có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giám sát vốn của Nhà nước tại tập đoàn.
Đây cũng chính là bất cập đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh khi giải trình về việc giám sát đầu tư tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Vinashin.
Lan Hương