1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Người dân Thủ đô nộp phí cao hơn cũng là công bằng”

(Dân trí) - “Người dân ở thủ đô được hưởng nhiều lợi thế mà cả nước đã đầu tư nên việc thu phí này, phí khác cao hơn tôi nghĩ cũng là công bằng”, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ quan điểm xung quanh dự thảo Luật Thủ đô.

Thưa ông, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô tại UB Thường vụ Quốc hội, đã có nhiều đại biểu không đồng tình với các quy định đặc thù cho Thủ đô. Vậy quan điểm của ông thế nào?

Không phải nhiều đại biểu trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà chỉ một số ý kiến. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã chỉnh sửa, giảm 2 cơ chế trong số 20 cơ chế đặc thù. Sở dĩ như vậy vì 2 cơ chế đó không phải đặc trưng của Hà Nội, không đảm bảo cho sức sống lâu dài của một bộ luật.

Chẳng hạn, việc thành lập các cơ quan chuyên môn của Hà Nội khác với tỉnh thành khác như lập sở phòng cháy chữa cháy. Hà Nội rất cần sở này, nhưng Chính phủ có thể quyết định không cần đưa vào Luật.

Việc lập chức danh Kiến trức sư trưởng, dù Luật Quy hoạch đô thị không quy định, nhưng nếu Hà Nội muốn lập ra chức danh này cũng có thể xin ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội, không nhất thiết phải đưa vào Luật.
 
“Người dân Thủ đô nộp phí cao hơn cũng là công bằng” - 1
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Nói Luật Thủ đô trái với Luật khác là nâng cao vấn đề" (Ảnh: Việt Hưng)

Một vấn đề khác từng được đặt ra là tiêu chuẩn đối với cán bộ công chức của Hà Nội cao hơn các tỉnh để thu hút nguồn nhân lực và có chế độ lương phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương nên những quy định như vậy sẽ không cần thiết nữa. Chưa kể, hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang áp dụng cơ chế tiền lương riêng mà chưa cần có các quy định riêng.

Chính phủ thấy 2 vấn đề đó UB Thường vụ Quốc hội góp ý đúng và không đưa vào luật nữa.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc quản lý nhập cư vào Hà Nội như dự thảo luật Thủ đô có trái với Luật Cư trú không, thưa ông?

Luật Thủ đô bổ sung cho các luật hiện hành và về nguyên tắc không trái với Hiến pháp. Nếu không có quy định khác các luật khác có lẽ không cần thiết ban hành luật này. Vì thế, nếu nói Luật Thủ đô trái với luật khác là nâng cao vấn đề.
 
Hơn nữa, Luật nào cũng do Quốc hội quyết định. Nguyên tắc là Luật ban hành sau có quy định khác thì theo luật ban hành sau, tuân thủ luật chuyên ngành rồi mới tuân thủ luật chung.

Còn việc giảm nhập cư là cần thiết để tránh việc gia tăng dân số ở thủ đô mà có người đã gọi là thảm hoạ ùn tắc giao thông, cũng như giảm bớt sự nhếch nhác của thủ đô.

Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật chứ không phải được cư trú khắp nơi. Vì thế, không thể nói quy định cư trú trong Luật là trái với pháp luật.

Vậy việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội sẽ được quy định cụ thể như thế nào?

Quy định hiện nay quá dễ dãi, có thể cho nhờ hộ khẩu. Do vậy, theo tôi, cần có quy định về việc có việc làm lâu dài mới được nhập khẩu là vững chắc nhất. Nếu Quốc hội đồng ý, nghị định của Chính phủ sẽ ban hành theo hướng đó.

Theo Hiến pháp, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng khi ban hành luật này thì người dân ở thủ đô phải chịu những quy định khác với các địa phương còn lại, chẳng hạn phải nộp một số khoản phí cao hơn. Như vậy có trái Hiến pháp?

Người dân ở thủ đô được hưởng nhiều lợi thế mà cả nước đã đầu tư nên việc thu phí này, phí khác cao hơn tôi nghĩ cũng là công bằng. Hơn nữa, việc này áp dụng với tất cả những người đến Thủ đô chứ không phải chỉ mỗi người dân Thủ đô.

Ví dụ việc thu thuế trước bạ đối với ô tô cao hơn không phải để thu tiền mà mục đích chính là để hạn chế mang ô tô vào nội thành. Tất nhiên, sau này sẽ đầu tư đồng bộ phương tiện công cộng để người dân được sử dụng nhiều hơn.

Xin cảm  ơn ông!

Lan Hương - Kim Tân (ghi)