1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phát biểu chi phí đại lễ chiếm 10% GDP là cảm tính”

(Dân trí) - “Những phát biểu chi phí đại lễ 94.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP là cảm tính. Các hoạt động của đại lễ 1.000 năm gồm rất nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn nhiều bộ ngành, địa phương tham gia”.

“Phát biểu chi phí đại lễ chiếm 10% GDP là cảm tính” - 1
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (ảnh: Việt Hưng).
 
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã cho báo giới biết như vậy, trước ý kiến cho rằng: Hà Nội tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội lên tới 94.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP.
 
Nếu nói các con số trên là “cảm tính”, thì con số thực tế khoảng là bao nhiêu, thưa ông?
 
Đại lễ có nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chi phí không chỉ của Hà Nội, mà còn của các Bộ, ngành, địa phương tham gia. Chính phủ và Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị, cơ quan tiến hành thanh quyết toán.
 
Bộ Tài chính và Sở Tài chính Hà Nội là các cơ quan tổng kết xem chi phí trực tiếp tổ chức đại lễ như thế nào. Hiện chúng tôi đang tổng hợp con số cụ thể để báo cáo lên Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Quốc hội.
 
Đêm chung kết 10 ngày đại lễ có một số chi tiết bị cắt so với kịch bản đưa ra, vậy Hà Nội tiết kiệm được những gì sau khi cắt giảm?
 
Mục tiêu của đại lễ là lành mạnh, an toàn, vui tươi và tiết kiệm, thế nên trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và thành phố đều hướng về các hoạt động thiết thực và tiết kiệm nhất. Những gì cần thì làm, cái gì không cần thì không làm, từng chi phí hoạt động đều phải có dự toán, có phê duyệt mới triển khai.
 
Ví dụ như cổng chào cũng là một trong các hạng mục tiết kiệm. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và công luận, chúng tôi thấy có cổng chào cũng tốt mà không có thì có thể tiết kiệm được cho xã hội. Hay như bắn pháo hoa, theo chủ trương là 29 điểm và điểm Mỹ Đình (nghệ thuật) nhưng sau đó chỉ bắn ở Mỹ Đình. Theo dự toán, các hạng mục đó tiết kiệm được khoảng 4 - 5 tỷ đồng.
 
Có ý kiến cho rằng, một số công trình hạng mục phục vụ đại lễ lãng phí. Quan điểm của ông thế nào?
 
Có một số công trình tuy nói là phục vụ đại lễ nhưng được xây dựng cho tương lai, nên không thể gọi là lãng phí. Nếu không có đại lễ, chúng ta vẫn phải đầu tư cho các công trình này.
 
Nhân dịp đại lễ chúng ta huy động, đầu tư sức người, sức của vào các công trình để phục vụ cho hạ tầng, đời sống dân sinh, cho phát triển. Vì thế, chúng ta không thể nói là lãng phí.
 
Vậy vấn đề trang trí, trang hoàng thì sao?
 
Hệ thống đèn chiếu sáng trang trí là phục vụ cho đô thị, với mục tiêu là xanh - sạch - đẹp; với Hà Nội còn là sáng, xanh, sạch đẹp. Một đô thị như thế mới thể hiện được văn minh. Trong cả quá trình thực hiện đại lễ, những việc nào không cần thiết thì chũng ta không làm, từng chi phí đều được lập trên cơ sở dự toán.
 
Cũng có ý kiến còn cho rằng, “Hà Nội chạy theo thành tích” nên đã có một số công trình có dấu hiệu xuống cấp như công viên Hòa Bình?
 
Công viên Hòa Bình là cố gắng rất lớn của thành phố trong thời gian qua, là công trình văn hóa mang ý nghĩa chính trị và lịch sử. Có thể trong quá trình thi công và quản lý có một số điểm thiếu sót, chưa hoàn thiện, nhưng chưa có khẳng định nào là công viên bị xuống cấp.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cần sớm công khai chi phí cho đại lễ
 
Đại biểu Quốc Hội Phạm Thị Loan cho biết: “Vấn đề chi phí cho đại lễ là câu hỏi mà nhiều cử tri quan tâm, bởi cho đến hiện nay chưa ai biết chính xác con số đó bao nhiêu. Chi phí cho đại lễ cần phải được công khai, thông báo cho nhân dân biết, cái nào lãng phí cần rút kinh nghiệm cho các lễ hội về sau”.
 
Cũng theo bà Loan, chúng ta không nhất thiết liệt kê một vài công trình được thực hiện cách đây 10 năm vào hạng mục phục vụ đại lễ. Bởi “điều này chứng tỏ bệnh thành tích. Đại lễ không nhất thiết đưa nhiều công trình vào để chào mừng. Điều quan trọng là chúng ta bảo tồn, bảo vệ và phát triển, chứ không phải là các dự án phát triển mới, các dự án bổ sung để chào mừng. Tôi không đồng tình với cách suy nghĩ như vậy và cũng không đồng tình theo kiểu chạy theo với thành tích như thế”.
 
Lan Hương

Nguyễn Hiền