1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ sau vụ Vinashin

(Dân trí) - Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông đã đề nghị thành lập UB lâm thời của Quốc hội điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin. Theo đại biểu Thuyết, từ kết quả điều tra, cần bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, các thành viên Chính phủ.

Các vấn đề trên đã được đặt ra trong buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sáng nay 1/11.

Đề nghị điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, thực trạng vừa qua của Vinashin phải dùng đúng từ là... sụp đổ. Theo ông Thuyết, tập đoàn này sụp đổ, trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ trên dưới 100.000 tỷ đồng, bằng một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm gì một thế kỷ mới trả nợ được.

Cũng theo đại biểu Thuyết, vụ việc Vinashin khiến ông nhớ tới vụ Lã Thị Kim Oanh. Theo đó, vì nuông chiều, luôn áp dụng siêu cơ chế cho công ty của Kim Oanh, dẫn đến thất thoát hàng trăm triệu đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân cũng như đại biểu Quốc hội đã phải từ chức, 2 vị Thứ trưởng bị truy tố.

“Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1.000 lần”, ông Thuyết nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Thuyết, điều đáng nói là ngoài lãnh đạo Vinashin, hiện chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý nhà nước. “Các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm, nhận kỷ luật trước Quốc hội. Không thể chỉ nhận khuyết điểm chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”, ông Thuyết nhấn mạnh.
 
Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ sau vụ Vinashin - 1
Đại biểu Lê Văn Cuông: "Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 1,5 triệu đồng cho Vinashin" (Ảnh: Việt Hưng)

Cũng theo ông Thuyết, UB Tư pháp của Quốc hội nhận định, có những dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tài sản của nhà nước, nhưng ai bao che, bao che như thế nào vì nguyên nhân gì nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm ra sao thì UB Tư pháp chưa có điều kiện kết luận.

“Nếu Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước dân vì vậy căn cứ hiến pháp và luật tổ chức Quốc hội tôi đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập UB lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trên cơ sở đó, cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên liên quan”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của UB lâm thời ông Thuyết đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ các vị cần được điều tra.

“Nói những điều trên tôi cảm thấy đau xót và khó khăn, nhưng chúng ta có xử lý nghiêm mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế những dự án làm ăn phá của bốc trời, đưa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vào đúng quỹ đạo, kinh tế phát triển bền vững, lấy  lại niệm tin của nhân dân và quyết tâm chống lãng phí, tham nhũng”, ông Thuyết kế lại.

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Lê Văn Cuông cũng tán thành đề nghị thành lập UB Lâm thời để làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin. Theo ông Cuông, sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm, nhưng do nuông chiều đã dẫn tới u nhọt lâu ngày, khi vỡ gây hậu quả nặng nề. Người dân Việt  Nam kể cả giàu, nghèo mỗi người phải gánh chịu 1,5 triệu đồng do món nợ này gây ra.

Ông Cuông phê tiếp, do được xác định là đầu tàu, quả đấm thép đã tạo điều kiện cho tập đoàn mang tiền đi tung hoành khắp nơi, mua các xí nghiệp lỗ làm công ty con, cháu… Đáng nói nữa khi có 2 lần Thanh tra Chính phủ đề nghị vào cuộc vẫn bị chặn lại, trong khi có 11 đoàn vào làm việc vẫn không ngăn được sự sai trái của tập đoàn.

“Vinashin sụp đổ nghiêm trọng không khó hiểu, chỉ có điều nếu ở nước ngoài một vài vị sẽ phải từ chức, nhưng nước ta đến nay vẫn chưa có ai”, ông Cuông gay gắt.

Phải có lời xin lỗi nhân dân

“Sự suy sụp của Vinashin như một sự cố trong lịch sử tập đoàn. Hệ quả tác động sâu rộng không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, chẳng những làm suy yếu tiềm lực quốc gia mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng đối  với Chính phủ”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đán nối tiếp.

Cho rằng Chính phủ chưa đánh giá tác động đúng mức cũng như chưa làm rõ trách nhiệm ông Đán đề nghị, cá nhân tổ chức có liên quan đến buông lỏng  quản lý Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh… “Câu hỏi đó khó trả lời, nhưng tôi đề nghị Chính phủ có lời giải đáp thoả đáng với cử tri”, ông Đán nói.

Đại biểu Phạm Thị Loan cũng đề nghị làm rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng, trách nhiệm của Thủ tướng, các bộ ngành. “Không thể chỉ do các cán bộ của Vinashin, vì một mình Vinashin không thể làm sai được, ai cho phép Vinashin phát hành trái phiếu lớn như vậy, ai để Vinashin đầu tư tràn lan, ai cho Vinashin vay lớn như vậy… Tại sao Quốc hội đã đưa Vinashin vào danh sách giám sát, Chính phủ vẫn đề nghị thanh tra Chính phủ vào trước, những việc đó nhằm mục đích gì?”, bà Loan gay gắt.
 
Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ sau vụ Vinashin - 2
Đại biểu Phạm Thị Loan: "Phải có văn hoá từ chức để giữ uy tín với nhân dân" (Ảnh: Việt Hưng)

Nhắc lại quan điểm phải quy trách nhiệm đến cùng, phải làm rõ trách nhiệm của những người quản lý nhà nước, bà Loan cũng đề nghị những người làm sai phải có lời xin lỗi, phải có văn hoá từ chức để giữ uy tín với nhân dân.

Từ thực tế tại Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lại đề nghị cho kiểm toán toàn bộ các tập đoàn nhà nước còn lại, nhất là EVN. Cùng đó, hàng năm Chính phủ báo cáo thực trạng kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Bà Nga cũng cho rằng, trách nhiệm trong vụ việc Vinashin không chỉ có Chính phủ mà còn cả Quốc hội.

Chuyển sang vấn đề khác cũng liên quan đến hoạt động của tập đoàn, đại biểu Huỳnh Ngọc Đán nhìn nhận, hơn 10 năm qua năm nào ta cũng thiếu điện, nhưng năm nay có cái mới là cắt điện luân phiên giữa mùa mưa.

Theo ông Đán, điện đang là bức tranh ảm đạm và trong hiện trạng cơ sở hạ tầng đất nước hiện nay, thiếu điện là điểm nghẽn kiên cố và bảo thủ nhất.

“Điện không chỉ là sản xuất, thu hút đầu tư, là đời sống văn minh mà còn là chỉ số hài lòng của người dân đối với Chính phủ. Do vậy khủng hoảng thiếu điện cũng nguy hiểm như nguy cơ tụt hậu và tham nhũng”, ông Đán nhận định.

Theo ông Đán, có nhiều nguyên nhân thiếu điện được đưa ra, trong đó có người bảo tại thuỷ điện, người bảo tại giá, nhưng cử tri muốn “đừng thanh minh mà hãy làm”. Ông Đán đề nghị, Quốc hội nên yêu cầu tập đoàn điện lực đến báo cáo tại Quốc hội.

Đại biểu Lê Văn Cuông cũng cho rằng, EVN được coi như con cưng, có thành tích đòi chia chác nhưng thiếu điện không ai đứng ra nhận trách nhiệm. “Chúng ta xác định 2020 trở thành một nước công nghiệp mà thiếu điện triền miên, ai là người phải chịu trách nhiệm, tập trung tháo gỡ?”, ông Cuông nêu câu hỏi.

Cấn Cường