1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội lý giải vì sao chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà ở 4 quận nội đô

Minh Nhật Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội, thành phố chưa cách ly F1 tại nhà ở 4 quận nội đô vì đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt nên cần áp dụng các "biện pháp đặc biệt"…

Nhiều ngày qua, dư luận xã hội và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế đặc biệt quan tâm đến thông tin Hà Nội quy định chỉ áp dụng cách ly F1 tại nhà ở địa bàn 26 quận, huyện, thị xã và không áp dụng cho 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Lý giải về quy định này, theo cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội, 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng là nơi tập trung trụ sở của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn…

Hà Nội lý giải vì sao chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà ở 4 quận nội đô - 1

Theo cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội, việc chưa cách ly F1 tại nhà ở 4 quận nội đô vì đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt nên cần áp dụng các "biện pháp đặc biệt"… (Ảnh: Mạnh Quân).

Khu vực này cũng là nơi có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động giao lưu, giao thương kinh tế với tần suất cao để phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt và cần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để bảo vệ an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự cũng như dịch bệnh. Điều này được Hà Nội đưa ra trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và căn cứ tình hình dịch thực tế trên địa bàn.

Trước mắt, Hà Nội có chủ trương không điều trị F0 tại các bệnh viện Trung ương và thành phố đặt tại khu vực 4 quận nêu trên nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực này.

Để đảm bảo từng bước thích ứng với dịch bệnh và thận trọng khi tiến hành thực hiện nên đối với 4 "quận lõi", Hà Nội sẽ tạm thời chưa thực hiện cách ly các trường hợp F1 tại nhà như 26 quận, huyện, thị xã còn lại.

Riêng với 4 nhóm đối tượng ưu tiên, gồm: người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em), áp dụng cách ly tại nhà nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Các đối tượng còn lại thực hiện cách ly tập trung do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý, hoặc cách ly tự nguyện tại các khách sạn được thành phố cho phép.

Trong thời gian tới, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn, Hà Nội sẽ có những điều chỉnh tổng thể phù hợp nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả nhất với phương châm sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết.

Phải quản lý được khi cách ly F1 tại nhà

Nhận định về quy định mới của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nói: "Về nguyên tắc, người có đủ điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế và cam kết thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì có thể cách ly tại nhà. Đương nhiên, chúng ta cũng cần xem xét cân đối giữa quy định và thực tiễn".

Hà Nội lý giải vì sao chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà ở 4 quận nội đô - 2

Theo chuyên gia, Hà Nội cần dựa trên tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định sao cho phù hợp trong công tác phòng, chống dịch (Ảnh minh họa).

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân khiến Hà Nội đưa ra quy định vừa qua có thể là thành phố cho rằng 4 quận trung tâm có dân số đông, nhà dân được xây dựng sát nhau, việc buôn bán, giao thương nhiều, mật độ tiếp xúc lớn, từ đó dẫn tới tình trạng khó kiểm soát.

"Hà Nội cần dựa trên tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định sao cho phù hợp. Việc cách ly tập trung F1 cần hài hòa giữa nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là trách nhiệm của người dân. Thứ hai là khi triển khai cách ly tại nhà, thành phố phải quản lý được, theo dõi được", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo.

Ông Phu cho rằng Hà Nội có thể cân nhắc để những gia đình có nhà đủ điều kiện, ít giao lưu thực hiện cách ly F1 tại nhà với sự quản lý chặt sẽ từ hệ thống y tế cơ sở. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, thành phố cũng cần đưa ra quyết định về trường hợp được cách ly tại nhà hay ai phải cách ly tập trung.

Ngoài ra, trong tình hình dịch hiện nay, bên cạnh tiếp tục các giải pháp như phát hiện sớm ca nhiễm, truy vết, phong tỏa ổ dịch, thực hiện cách ly, vị chuyên gia này cũng đề xuất Hà Nội cần tăng cường tiếp cận bệnh nhân Covid-19 thông qua những Trạm Y tế lưu động.

"Thành phố cần tiếp cận bệnh nhân sớm nhất, tránh hiện tượng bỏ sót F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Những bệnh nhân này khi không được tiếp cận sớm với y tế sẽ có nguy cơ diễn biến nặng dẫn tới tử vong hoặc gây quá tải hệ thống y tế", PGS Phu nhấn mạnh.

Đặc biệt, Hà Nội vẫn phải chuẩn bị các phương án an toàn trong lao động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, việc kiểm tra, giám sát cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.

"Nếu quy định thế này nhưng thực tế lại làm khác, dịch sẽ lại bùng lên và khó có thể kiểm soát. Khi số F0 tăng lên, trường hợp diễn biến nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt ở khu vực tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp, những ca tử vong sẽ lại xuất hiện", ông Phu kết luận.